“Gian nan” cùng con vào lớp 1

Nhân đọc bài “Lớp 1, con cần học vui, không so bì điểm số, thành tích” của tác giả Thanh Mai đăng trên báo Dân trí, tôi lại chạnh lòng nhớ về những ngày tháng vượt khó gian nan của mình khi con vào lớp 1.

Tôi vốn là một giáo viên nên tôi không thích cho con học sớm. Hết hai năm Mẫu giáo, con chỉ biết 24 chữ cái và nhận biết các số từ 1 đến 10. Thời điểm ấy, ông xã tôi thấy các bé gần nhà đua nhau đi học trước nên cứ nhắc tôi cho con đi. Thế nhưng tôi nhất định không cho con học trước. Suốt mấy tháng hè, tôi cho con đi chơi vui vẻ thoải mái. Tôi cứ nghĩ đơn giản con chỉ mới học lớp 1 thôi mà.

Ngày đầu tiên đến lớp, cháu rất vui và hứng khởi. Con vui vẻ kể mẹ nghe bao nhiêu là chuyện vui ở lớp, ở trường. Tôi thật sự mừng và hạnh phúc.

Mọi chuyện chỉ rắc rối khi con chính thức bước vào năm học mới. Dường như con không còn vui vẻ như trước. Khuôn mặt con lúc nào cũng căng thẳng vì lo sợ. Phải gặng hỏi mãi con mới tâm sự rằng con rất sợ cô giáo chủ nhiệm. Ngày nào cô cũng chê con viết chậm, viết xấu. Nhiều hôm con còn bị bạn bè cười chê vì phải ở lại giờ ra chơi để rèn chữ. Con bảo con rất sợ đến trường rồi. Nói xong con òa khóc nức nở vì tủi thân.

Ngay tối ấy tôi vội vã điện thoại cho cô chủ nhiệm hỏi thăm tình hình học tập của con. Vừa nghe xong, cô đã chê bé nhà tôi tiếp thu chậm quá. So với các bạn, bé thua rất xa. Nhiều bé đọc thông viết thạo và làm toán rất nhanh. Riêng bé nhà tôi cần phải cố gắng rất nhiều nữa mới theo kịp được chương trình.

Học sinh lớp 1. (Ảnh minh họa: Khánh Hiền)
Học sinh lớp 1. (Ảnh minh họa: Khánh Hiền)

Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện con học lớp 1 lại nghiêm trọng như thế. Cả nhà lúc này cứ lao vào trách cứ tôi. Rằng tại tôi không cho con học trước nên mới thế. Rồi cả nhà lên kế hoạch phải cho con học thêm. Buổi tối con sẽ đến trung tâm để giáo viên luyện chữ, rèn đọc và làm thêm toán. Nhìn con sợ hãi, tôi chỉ biết ôm con mà nức nở theo.

Từ bữa đó, tôi gác hết công việc nhà để đồng hành cùng con. Tôi quyết tự dạy con học. Mỗi ngày tôi dành ra khoảng một tiếng để học cùng con. Khi dạy, tôi cũng không tham kiến thức quá. Mỗi ngày tôi dạy con một ít. Bữa nay dạy đọc thì bữa mai luyện chữ. Chỉ cần con tiến bộ một chút là tôi không ngớt lời khen.

Cậu con tôi được khen thì tỏ ra rất thích thú. Cứ thế, sức học của con tiến bộ thấy rõ. Cháu bắt đầu tự tin khi đi học. Thật may, hết học kì 1, con đạt hoàn thành tốt các môn học. Với tôi, con chưa xuất sắc nhưng tôi thấy vui và hạnh phúc lắm rồi. Tôi cũng không quan trọng lắm tới điểm số và thành tích của con. Chỉ cần con vui vẻ không bị áp lực học hành là được rồi. Mong sao mỗi ngày đến trường của con là một ngày vui.

Thế mới thấy chuyện con học lớp 1 không đơn giản chút nào. Nhiều phụ huynh từng bị stress vì con học lớp 1. Phụ huynh sợ nhất là bị giáo viên mắng vốn. Hay con thường xuyên bị giữ lại để rèn chữ cuối buổi học. Những khi ấy, phụ huynh lại đôn đáo kiếm chỗ cho con học thêm. Con áp lực, cha mẹ cũng “đau đầu” không kém.

Thực ra việc học trước chương trình cho trẻ chẳng tốt chút nào. Các em còn nhỏ mà phải “đánh vật” với bài vở sớm là không tốt. Bên cạnh đó, việc học sớm dễ khiến bé nảy sinh tâm lý chủ quan. Thường thì các em không quan tâm đến cái mới ở trên lớp mà cứ tưởng mình giỏi rồi. Có em còn khinh thường bạn bè thấy rõ. Thế nhưng phụ huynh cứ đua nhau cho con học trước. Ai cũng sợ con mình không theo kịp chương trình. Lí do là lớp học thì đông mà cô giáo lại dạy nhanh. Thành thử cô dạy theo học sinh giỏi chứ không dạy theo học sinh yếu. Vì thế nhiều phụ huynh phải cho con học trước mới an tâm.

Bản thân tôi đã từng trải qua thời gian có con đi học lớp 1 nên tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết “Lớp 1, con cần học vui, không so bì điểm số, thành tích”. Ở lớp 1, con chỉ cần học vui chứ không cần thành tích, điểm số. Đối với học sinh lớp 1, chúng ta không cần ép con học quá nhiều. Quan trọng là các con thoải mái vui vẻ khi đến trường.

Thành tích ở lớp 1 chưa nói lên được điều gì. Đừng thấy con người ta học sớm rồi ép con mình phải theo. Các bậc phụ huynh cứ an tâm và đồng hành cùng con trên chặng đường dài. Hãy để các con phát triển tự nhiên chứ đừng quá gò ép mà tội nghiệp con trẻ.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!