Du học các nước ra sao khi học kỳ mùa thu cận kề?

Sinh viên quốc tế ở Úc thời trước đại dịch – Ảnh: SBS

Mỹ: Được học trực tiếp

Theo New York Times, Mỹ hiện không yêu cầu sinh viên quốc tế tiêm vắc xin trước khi nhập cảnh nhưng cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Kể từ học kỳ mùa thu tới đây, đa số các đại học ở Mỹ đều cho phép mở lại các học phần trực tiếp, kết thúc gian đoạn phải học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến hơn 1 năm qua.

Nhiều trường sẽ chủ động cho sinh viên tiêm vắc xin, tuy nhiên một số yêu cầu sinh viên phải chuẩn bị trước “hộ chiếu vắc xin” mới được đến giảng đường. Sinh viên được khuyên liên hệ với bộ phận công tác sinh viên của trường để cập nhật kịp thông tin.

Giảm học phí cũng là hướng thu hút sinh viên quốc tế thời kỳ “hậu COVID-19” của nhiều trường. Chẳng hạn, Trường Clinton College thông báo sẽ giảm 50% đến học phí cho kỳ học mùa thu 2021 cho du học sinh từ các quốc gia.

Là một trong những nước “bình thường hóa” nền “công nghiệp” du học sớm trên thế giới, Mỹ càng củng cố vị trí điểm đến số 1 trong mắt du học sinh quốc tế. Theo dự báo, số báo trong học kỳ mùa thu tới đây, số lượt sinh viên nhập cảnh trực tiếp vào Mỹ sẽ tăng hai con số so với cùng kỳ năm 2020.

Úc: Lần đầu mở cửa biên giới cho du học sinh

Giữa tháng 6-2021, Nam Úc chính thức trở thành là tiểu bang đầu tiên được Chính quyền Liên bang phê duyệt kế hoạch “mở cửa” biên giới cho sinh viên quốc tế. Theo trang Sky News, thủ hiến bang Nam Úc Steven Marshall cho rằng đây là cột mốc quan trọng để mở lại con đường cho du học sinh trở lại tiểu bang này nói riêng và nước Úc nói chung.

Theo đó, tiểu bang sẽ cho một số lượng giới hạn sinh viên quốc tế đã được tiêm vắc xin nhập cảnh. Sau khi đến nơi, sinh viên sẽ được cách ly và theo dõi sức khỏe trước khi được sinh hoạt bình thường tại Nam Úc. Kế hoạch sẽ được triển khai dần dần bắt đầu từ cuối tháng 6 năm 2021.

Các trường đại học ở Úc cho rằng đây là tín hiệu tích cực sau gần 2 năm Úc hoàn toàn “cấm cửa” du học sinh. Việc Úc kiên quyết không cho sinh viên quốc tế nhập cảnh trong thời gian qua cũng khiến không ít bạn trẻ thay đổi điểm đến là các thị trường cạnh tranh khác như Mỹ, Canada, châu Âu,…

Du học các nước ra sao khi học kỳ mùa thu cận kề? - Ảnh 2.

Một sinh viên Ấn Độ trước chuyến bay du học – Ảnh: INDIA TIMES

Vương quốc Anh: Được tiêm vắc xin miễn phí

Với tỉ lệ dân số được tiêm vắc xin hàng đầu thế giới (khoảng 46%), Vương quốc Anh trở thành điểm đến lý tưởng cho sinh viên quốc tế trong học kỳ mùa thu tới đây.

Theo nghiên cứu của tổ chức giáo dục QS, 47% sinh viên quốc tế trên thế giới đang nghiêng về lựa chọn Vương quốc Anh trong các thị trường du học hàng đầu. Lý do là vì tỉ lệ tiêm chủng cao.

“Tính hiệu quả và tốc độ của tiêm chủng đang khiến Vương quốc Anh trở thành một điểm đến hấp dẫn và khả thi hơn để bắt đầu học kỳ vào tháng 9 tới đây so với nhiều quốc gia”, QS viết.

Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế tiếp tục được mở rộng. Chẳng hạn, sau khi cách ly tại Anh, sinh viên có thể đăng ký được tiêm miễn phí. Trong thời gian chờ đợi, sinh viên có thể được tiếp tục hỗ trợ theo dõi sức khỏe tại nhiều cơ sở y tế.

Đức: Tiếp tục học online

Với hầu hết các nước châu Âu khác, sinh viên có thể được nhập cư vào học kỳ mùa thu tới đây. Tuy nhiên sinh viên cần tuân thủ nhiều quy định về tiêm chủng, cách ly, hạn chế đi lại tùy theo yêu cầu của mỗi quốc gia.

Ở Đức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và nghiên cứu Liên bang Anja Karliczek cho biết sinh viên sẽ trở thành đối tượng ưu tiên tiêm phòng đại dịch COVID-19 để góp phần thúc đẩy thị trường giáo dục đại học ở Đức.

Theo bà Karliczek, các đại học Đức vẫn đang tiếp tục tổ chức các học phần online. Đây là học kỳ thứ 3 liên tiếp các trường phải dạy từ xa mà chưa thể cho sinh viên vào học trực tiếp. Theo dự báo, học online sẽ còn được nhiều trường áp dụng cho đến hết học kỳ mùa đông năm nay.

Du học sinh Việt và ước mơ Du học sinh Việt và ước mơ ‘hòa hợp dân tộc’

TTO – Từ khắp phương trời, những người con đất Việt đang sống và học tập xa quê đau đáu trong lòng nhiều suy nghĩ, gửi gắm lẫn kỳ vọng trước ngày kỷ niệm cột mốc lịch sử dân tộc 30-4.