Đổi mới hoạt động dạy – học: Kinh nghiệm từ trường vùng khó

Biến khó khăn thành động lực

Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xã Lùng Tám thuộc vùng 3 có điều kiện địa lý phức tạp; 4 dân tộc anh em cùng sinh sống tuy nhiên dân tộc Mông chiếm trên 95% dân số.

Không những thế, điều kiện kinh tế xã hội cũng như đời sống nhân dân phát triển chậm. Tới nay, tỉ lệ hộ nghèo tại xã Lùng Tám còn khá cao, các thôn bản đi lại khó khăn, một bộ phận người dân vẫn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được nội lực của địa phương trong công tác xã hội hóa cho giáo dục.

Thầy Kha cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình đổi mới giáo dục, vấn đề năng lực nghiệp vụ sư phạm của một số giáo viên nhà trường chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy. Đó là chưa kể tới số lượng giáo viên thiếu cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học và các hoạt động khác.

Đi liền đó, học sinh ở các điểm trường vùng núi cao ít có điều kiện tham gia các hoạt động nên nhút nhát, tiếng phổ thông hạn chế đã dẫn tới nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học…

“Đứng trước hàng loạt khó khăn, nếu chỉ coi đó là thách thức thì sẽ nản và làm việc hình thức đối phó. Trong khi đó, xây dựng cơ sở vật chất, kỷ cương nền nếp, nâng cao chất lượng giáo dục của một ngôi trường… đòi hỏi đội ngũ CBQL lẫn GV phải nỗ lực hết mình, tâm huyết trong từng công việc nhà trường. Chính vì vậy, “Biến khó khăn thành động lực” trở thành phương châm hành động được nhà trường đề ra và thực hiện” – thầy Kha chia sẻ.

Lấy HS làm trung tâm dạy và học

Tăng cường hệ thống bồn hoa cây cảnh để xây dựng cảnh quan trường lớp sạch đẹp, gần gũi với HS. Ảnh: TG

Xây dựng trường học hạnh phúc đồng nghĩa đặt HS làm trung tâm của mọi hoạt động và đổi mới giáo dục tại Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám.

Cụ thể, công tác duy trì sĩ số được trường xác định là quan trọng và có sự đổi mới. Trường tham mưu với UBND xã để củng cố ban vận động HS. Phân công thành viên phụ trách các thôn để hỗ trợ nhà trường. Vào thời điểm khó khăn như sau Tết Nguyên đán, mùa vụ… nhà trường tiếp tục đề nghị ban vận động HS hỗ trợ nên việc duy trì sĩ số luôn được đảm bảo.

Mặt khác, trường tham mưu đề xuất củng cố ban vận động HS, ban chỉ đạo phổ cập xóa mù chữ huy động 100% số HS trong độ tuổi ra lớp. Đặc biệt, huy động HS điểm trường khó về học tại trường chính nhằm duy trì và thực hiện nhiệm vụ giáo dục của địa phương. Hiện nay, tỉ lệ chuyên cần hàng ngày của trường đạt từ 98% – 100%. Tình trạng HS bỏ học cơ bản được loại bỏ.

Đến với Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám, cũng không khỏi ngỡ ngàng về khuôn viên khang trang, thân thiện với người học. Đây là kết quả từ việc phát huy nội lực đội ngũ CB, GV để xây dựng nên các mô hình thu hút HS. GV nhà trường tự tay xây dựng thư viện xanh ngoài trời phục vụ đọc sách; Trang trí khuôn viên ghế đá; Xây dựng hệ thống bồn hoa cây cảnh và trồng nhiều loại hoa đẹp. Đội ngũ GV còn sưu tầm và trưng bày góc văn hóa truyền thống, xây dựng lò đốt rác để bảo vệ môi trường, các ngày nghỉ hoặc trống tiết, GV trang trí trường lớp, bồn hoa khuôn viên sân trường…

Đặc biệt, để tạo sự chuyển biến trong chất lượng giáo dục, nhà trường còn triển khai định hướng các hoạt động liên quan đến sự phát triển của HS. Nhà trường yêu cầu các lớp, các bộ phận thực hiện nghiêm túc việc xây dựng cảnh quan sư phạm, trang trí lớp học; xây dựng và thành lập câu lạc bộ, các loại hình thư viện phát triển văn hóa đọc cho HS; tổ chức HS đọc sách, giáo dục kĩ năng sống, đưa văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy…

Để nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, trường đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường hỗ trợ đóng góp cả về tinh thần và vật chất cho HS. Từ phong trào này, năm học vừa qua trường đã được đầu tư hỗ trợ xây dựng mới các phòng chức năng, phòng học bộ môn và hệ thống nhà vệ sinh gắn với nhà tắm cho HS…

Tuy nhiên, thầy Tạ Văn Kha cũng nhấn mạnh: Đối với một nhà trường, hoạt động chuyên môn là chính thì công tác chỉ đạo cần định hướng và cá nhân phụ trách phải là người có hiểu biết về lĩnh vực đó mới đem lại hiệu quả; đồng thời, gắn phân công với trách nhiệm để GV có ý thức học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi tài liệu giải quyết công việc của mình.

Có thể nói, “Lấy học sinh làm trung tâm” trong hành động và đổi mới giáo dục đã giúp CBQL, GV Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám có hướng đi đúng đắn, mang về kết quả giáo dục đáng tự hào. Từ kinh nghiệm của Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám có thể nhân lên cách xây dựng trường học hạnh phúc tại vùng khó cho nhiều trường học có điều kiện hoàn cảnh tương tự.