Doanh nghiệp nước ngoài muốn đại học Việt Nam dạy sinh viên thái độ làm việc

Ông Chen Han Hua – giám đốc Công ty TNHH thương mại Want Want Việt Nam – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Chiều 19-8, đại diện hàng chục doanh nghiệp Đài Loan có buổi gặp gỡ lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam để tăng cường hợp tác, đặc biệt về cung ứng nguồn nhân lực. Sự kiện do Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM tổ chức.

Ông Chen Han Hua – giám đốc Công ty TNHH thương mại Want Want Việt Nam – cho biết thành lập tại Việt Nam cách đây không lâu, công ty liên tục cần tuyển những lao động ở cả trình độ cao đẳng lẫn đại học trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dinh dưỡng, công nghệ dinh dưỡng, quản trị kinh doanh…

Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa tuyển đủ nhu cầu và đang rất “khát” nhân sự. Các lao động có tay nghề cao hoặc những chuyên gia kỹ thuật vô cùng “khan hiếm”, kể cả những ngành tưởng chừng khá “bình dân” như nghề điện, hàn.

Theo ông, một trong những nguyên nhân là sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng khác nhau chưa có sự tương đồng về chuyên môn, tay nghề khi tốt nghiệp.

“Nên chăng có một tiêu chuẩn chung về chất lượng của các sinh viên tốt nghiệp, có thể theo một chuẩn hay một chứng chỉ quốc tế. Nhờ vậy các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dễ có sự so sánh các ứng viên khi tuyển dụng”, ông Chen nói.

Ông cho rằng nhiều doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ riêng Đài Loan, sẽ sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền các địa phương và các trường đại học, cao đẳng để thành lập những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở đó, nếu lao động nào muốn học và thi đạt chuẩn quốc tế đều có thể đăng ký.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn đại học Việt Nam dạy sinh viên thái độ làm việc - Ảnh 2.

Sinh viên trong một hoạt động tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trong khi đó, ông Tsai Wen Ruei – chủ tịch Tập đoàn DDK Group – cho biết những ngày đầu thành lập nhà máy tại Việt Nam, nhiều đối tác và khách hàng của ông “can ngăn” bởi cho rằng lao động Việt Nam làm sản phẩm thường nhiều lỗi.

“Lúc đầu tôi không tin, nhưng trong những lô hàng đầu tiên, chúng tôi nhận thấy rất nhiều vấn đề trong sản phẩm. Nguyên nhân đúng là ở các lao động, nhưng không hẳn về tay nghề, mà do thái độ của họ với việc đang làm. Nhiều bạn trẻ thiếu cái tâm trong công việc của mình”, ông Tsai Wen Ruei nói.

Theo ông Tsai, tinh thần và thái độ làm việc ở các sinh viên tốt nghiệp hiện được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao hơn nhiều so với chuyên môn. Đặc biệt khi hiện nay công nghệ phát triển hằng ngày, lao động trẻ cần có khả năng chịu được áp lực công việc, biết cách tự học hỏi mỗi ngày.

“Trên hết khi bạn coi trọng công việc của mình thì chắc chắn sẽ được công ty coi trọng bạn”, ông nói thêm.

Ông Vũ Tùng Lâm – đại diện Công ty Digiwin – nêu góc nhìn không ít sinh viên khi tốt nghiệp chỉ biết chuyên môn nhưng thiếu những kiến thức đơn giản nhưng rất thực tế. Chẳng hạn một công ty thường được vận hành ra sao, quy trình thế nào.

Không biết những điều gần gũi này, theo ông Lâm, sinh viên tốt nghiệp sẽ mất thêm rất nhiều thời gian để thích nghi khi chuyển từ môi trường đại học sang doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn đại học Việt Nam dạy sinh viên thái độ làm việc - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu – phó trưởng ban khoa học và công nghệ (Đại học Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Nhiều giảng viên “tưởng” nghiên cứu cho doanh nghiệp rất phức tạp

Cũng tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu – phó trưởng ban khoa học và công nghệ (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho rằng hiện nay vẫn còn không ít giảng viên đang nghiên cứu những đề tài “xa cách” với nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên theo ông Hiếu, sau những buổi kết nối với doanh nghiệp, nghe được những “đề bài” về khoa học kỹ thuật gắn với hoạt động sản xuất mà họ đặt ra, nhiều giảng viên thấy yêu cầu của doanh nghiệp không quá phức tạp như trước nay vẫn tưởng. Nhiều giảng viên hiện đã mạnh dạn hơn kết hợp nghiên cứu với các công ty.

Tự chủ đại học và học phí: Ai đi học cũng trở thành... con nợTự chủ đại học và học phí: Ai đi học cũng trở thành… con nợ

TTO – Học phí đại học đúng là một gánh nặng đối với các sinh viên người Úc, gần như ai đi học đại học cũng phải mắc nợ chính phủ và trả dần trong nhiều năm sau khi tốt nghiệp và có việc làm ổn định.