Dịch không thể ‘cách ly’ học hành

Lớp 2/2 Trường tiểu học Ngô Quyền (Tam Kỳ, Quảng Nam) có học sinh mới từ nơi khác về tránh dịch – Ảnh: B.D.

Ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, chia sẻ về quyết tâm của tỉnh Quảng Nam trong việc tạo điều kiện học tập cho các học sinh vùng dịch đang bị kẹt lại tỉnh này.

Chúng ta hoàn toàn có thể xử lý, xoay xở nhiều cách để các em được học bởi giờ đã là thời đại 4.0 rồi. Dịch cách ly người nhưng không thể cách ly học hành được. Ông Hà Thanh Quốc

Về quê học vui, tiến bộ

Sáng 12-9, ban giám hiệu Trường tiểu học Ngô Quyền (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) ngồi chốt lại danh sách học sinh diện về quê tránh dịch đủ điều kiện nhập trường. Có gần 30 em trong diện này, mỗi em mang một câu chuyện đầy thân phận của cả gia đình khi phải khăn gói về quê.

8h45 sáng, cô hiệu trưởng Trần Thị An xuống các lớp học quán xuyến tình hình chung, cô dừng lại rất lâu ở các lớp học có học sinh mới.

Tại lớp 2/2 có 4 học sinh vừa được cô chủ nhiệm Trần Thị Mỹ Hạnh kê thêm bàn ghế để ngồi học, hướng dẫn những giờ học đầu tiên sau nhiều năm học ở các tỉnh.

Cô An cho biết trong gần 30 học sinh được tiếp nhận về trường đợt dịch này thì có 6 em là con em công nhân nghèo từ TP.HCM.

Trước khai giảng gần 2 tuần, một cụ già dò dẫm tìm tới trường. Khi được bảo vệ gặng hỏi, cụ già này mới nói mình tên là Ung Nho Tín, nhà ở khối phố An Hà Trung, phường An Phú (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), đến xin làm thủ tục cho hai cháu ruột là Trần Thanh Ngọc và Trần Thanh Phương.

Trên tay ông Tín không có một thông tin nào, ông chỉ nhớ rằng cháu mình theo cha mẹ vào làm may mặc ở quận 12 (TP.HCM). Hiểu rõ câu chuyện, các thầy cô ở đây đã tìm mọi cách để tra soát, hướng dẫn gia đình điền các thông tin cần thiết.

Sau gần 2 tuần được học tại quê nhà, Phương và Ngọc đã bắt nhịp với môi trường mới. “Cả hai em đều rất ngoan, lễ phép. Nhờ giáo viên nắm bắt tâm lý, đồng hành để các em vượt qua lạ lẫm và bỡ ngỡ ban đầu” – cô An nói.

Chị Ung Thị Liên, mẹ của Phương và Ngọc, nói rằng cả nhà vào TP.HCM làm ăn. Từ tháng 6, bốn mẹ con chị phải dắt díu chạy khỏi tâm dịch TP.HCM, dự tính sau vài tháng dịch hết sẽ quay trở lại.

Nhưng qua tháng 7 rồi tới hết tháng 8, dịch thêm hung hãn. Chị Liên đành dẫn con đầu lên trường gần nhà để xin nhập học, hai đứa nhỏ sau thì phải nhờ ông nội.

“Lúc đầu lo tới thắt ngực, nhưng về quê thấy các cháu đi học vui và tiến bộ nên mừng lắm. Tôi quyết định để ba đứa con ở lại quê học luôn chứ không trở lại TP.HCM nữa” – chị Liên nói.

Xoay xở hỗ trợ học sinh

Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết trong đợt dịch bùng lên và lan rộng tại các tỉnh thành, tỉnh Quảng Nam có gần 1.000 học sinh theo cha mẹ về quê và đã được làm thủ tục nhập học tạm.

Trong đó, huyện Đại Lộc có 120 học sinh con em lao động từ TP.HCM về quê tránh dịch, huyện Duy Xuyên có tới hàng trăm em, Tam Kỳ gần 70 em… Tất cả đều được nhận vào trường gần nhất để học dù có đầy đủ hồ sơ học bạ hay không.

Ông Hà Thanh Quốc cho hay ngay từ trước dịch, Sở GD-ĐT đã lên phương án tình huống dịch bùng lên, học sinh các tỉnh khác sẽ theo cha mẹ về quê nhiều và học sinh Quảng Nam về quê cũng sẽ không thể trở lại trường.

Sở gửi công văn về các tỉnh cùng các địa phương đề nghị kết nối và hỗ trợ để các em không lỡ việc học.

Các thầy cô ở Quảng Nam cũng được giao nhiệm vụ kèm cặp, giữ thông liên lạc với học sinh. Một kho tài liệu trực tuyến đầy đủ từ cấp I tới cấp III được mở trên mạng để thầy trò cùng lên lớp.

Ông Quốc cho biết thêm phía các trường đã tìm mọi cách để giúp đỡ học sinh khó khăn trở về từ vùng dịch; trong khả năng xoay xở mỗi trường, các em sẽ được miễn giảm học phí, cấp học bổng, mua sắm quần áo và sách vở để an tâm tới trường.

Sẵn sàng trực tuyến lẫn trực tiếp

Một năm học lạ lùng và khốn khổ đang đến với thầy trò cả nước khi vừa chạy dịch, vừa tổ chức học.

Ngay khi vừa khống chế cơ bản dịch, tỉnh Quảng Nam đã cho các trường “vùng xanh” được đến trường trở lại, nhưng bên cạnh học trực tiếp, các trường dạy trực tuyến cũng luôn sẵn sàng.

Cụ thể, khi trường học xuất hiện ca F0 thì cơ sở giáo dục và đào tạo tạm dừng hình thức dạy học tập trung, chuyển sang dạy học trực tuyến.

Tại thị xã Điện Bàn, ngày 9-9 toàn bộ học sinh phải ngưng học trực tiếp, chuyển qua trực tuyến sau đúng 1 tuần khai giảng.

Thị xã này đã ghi nhận hàng chục ca dương tính liên quan đến một ổ dịch tại một công ty tư nhân sau nhiều tuần không có ca nhiễm.

Bình Phước: Hơn 20% học sinh các cấp không có thiết bị học tập trực tuyếnBình Phước: Hơn 20% học sinh các cấp không có thiết bị học tập trực tuyến

TTO – Ngày 14-9, thông tin từ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước cho hay qua gần 10 ngày áp dụng dạy và học trực tuyến, đến nay còn hơn 20% học sinh các cấp của tỉnh không có thiết bị học tập bằng hình thức này.