Dịch Covid – 19 khiến nhiều ngành nghề lao đao

Trường tư lao đao vì dịch

Thời gian qua, do dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề trên cả nước bị ảnh hưởng. Nhiều trường tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum khi học sinh nghỉ học, nguồn thu của trường cũng bị “đình trệ”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng trường Mầm non Tư thục Cổ tích (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên học sinh của trường được nghỉ học trong thời gian dài. Chính vì vậy nên trường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên theo luật, nhà trường vẫn phải chi trả lương đầy đủ, đảm bảo đời sống cho giáo viên.

Theo cô Bích, trong thời gian học sinh nghỉ học, các giáo viên vẫn trực trường và đưa các bài giảng lên trang web để phụ huynh cập nhật và hướng dẫn trẻ học.

Cô Bích cho hay, khi có thông báo học sinh trên cả nước tiếp tục nghỉ đến hết tháng 2 nhà trường và nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Nhiều phụ huynh “đau đầu” vì không nhờ được người trông nom con.

Không chỉ giáo viên, nhiều người dân không tìm được chỗ gửi con nên phải thay phiên nhau trông nom con.

Anh Nguyễn Văn Học (TP Kon Tum) cho biết, anh và vợ đều làm công nhân. Tuy nhiên, do có con nhỏ nên thường ngày anh và vợ thay phiên nhau đón con.

“Từ ngày xuất hiện dịch Covid –19 con trai đang học mẫu giáo của tôi được nghỉ khiến vợ chồng lao đao. Đang lo lắng không ai chăm nom con, may sao bà ngoại rảnh rỗi, còn sức khỏe nên giúp vợ chồng. Không có bà chắc vợ chồng tôi phải nghỉ làm mà thay phiên nhau trông con mất, chứ chẳng biết làm sao”, anh Học nói.

Còn anh Nguyễn Đức Nhật (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho hay, từ ngày có dịch Covid – 19 anh hạn chế ra ngoài và tụ tập đến những nơi đông người. Ngoài giờ đi làm, anh chủ yếu ở nhà với gia đình, thay đổi thói quen ra hàng quán ăn uống để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

“Mặc dù ở Tây Nguyên chưa có trường hợp nào dương tính với dịch Covid – 19. Tuy nhiên, muốn đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình nên tôi hạn chế đến những nơi đông người hơn. Cuối tuần thay vì cả nhà ra ngoài ăn uống thì chúng tôi mua về nhà nấu nướng để gia đình quây quần bên nhau”, anh Nhật chia sẻ.

Doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm triệu đồng

Người nông dân lao đao vì dưa hấu rớt giá.

Mặc dù đã vào vụ thu hoạch dưa hấu, nhưng nhiều người nông dân ở Gia Lai “mất ăn, mất ngủ” vì rớt giá bởi hàng hóa không thể xuất khẩu.

Anh Trần Quốc Biển (tổ 8, thị trấn Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cho hay, những năm trước thấy nhiều hộ dân trúng vụ dưa hấu, lợi nhuận cao nên vợ chồng anh từ Bình Định lên Gia Lai thuê đất trồng dưa.

Do điều kiện khó khăn nên vợ chồng anh cùng người con nhỏ hơn 1 tuổi dựng lều ở gần ruộng dưa. Anh còn vay thêm tiền ngân hàng rồi góp vốn với một người bạn để trồng hơn 2ha dưa hấu. Những tưởng đến vụ thu hoạch gia đình anh sẽ trả hết nợ và có thêm một khoản để tiếp tục vụ mùa sau. Tuy nhiên, đến kì thu hoạch lại vào đợt dịch Covid-19 khiến dưa không thể xuất khẩu được.

“Dưa hấu giờ chỉ còn từ 500-700 đồng/kg nên gia đình tôi ráng giữ lại đợi giá lên. Nếu giá cả cứ giữ như thế này chắc tôi bỏ cả ruộng dưa đưa vợ con về quê lại. Bởi nếu bán thì gia đình phải bỏ thêm khoảng 30-50 triệu đồng để thuê nhân công. Cực cả năm trời, Tết chẳng về quê ăn Tết nhưng cuối cùng gia đình lại trắng tay”, ông Biển rưng rưng nước mắt nói.

Còn ông Trần Văn Sự, Giám đốc công ty TNHH Việt Tân (TP Kon Tum) cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đã yêu cầu 100% tài xế, phụ xe đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, doah nghiệp cũng mua khẩu trang phát cho các hành khách đi xe để đảm bảo sức khỏe cho hành khách.

Tuy nhiên, dịch bệnh khiến doanh nghiệp chịu thua lỗ nặng nề bởi lượng khách giảm đáng kể.

“Mặc dù khách ít, nhưng để đảm bảo uy tín nên doanh nghiệp vẫn giữ tuyến. Thường ngày 26 chiếc xe của chúng tôi chạy đều đặn, nhưng khi xuất hiện dịch chỉ còn khoảng 10 chiếc chạy đều. Tuy nhiên mỗi chuyến hành khách giảm khoảng 60% khiến mỗi chuyến lỗ khoảng 5 triệu đồng. Như vậy, mỗi ngày doanh nghiệp phải chịu lỗ gần 50 triệu đồng.”, ông Sự lắc đầu nói.

Dung Nguyễn