Đề văn không có ý bôi xấu nhà giáo nhưng ngữ liệu chưa ổn

Trường THCS Colette, TP.HCM – Ảnh từ Web

Đề kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn tại Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM bị nhiều người cho là bôi xấu nhà giáo khi đưa ra một truyện cười về mối quan hệ thầy trò trong xã hội xưa.

Ngữ liệu trong đề chưa ổn

Liên quan việc này, ông Võ Kim Bảo – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 – nói chương trình lớp 8 ở học kỳ I học sinh đang học truyện cười. Vì vậy giáo viên ra đề ở Trường THCS Colette tìm truyện cười thì phù hợp với mặt thể loại và chương trình.

Việc chọn ngữ liệu để đưa vào đề thi đối với giáo viên nói chung là rất khó. Trong khi đó, tiếng cười trong truyện cười đa số là tiếng cười phê phán, châm biếm. Các truyện cười thường mượn tiếng cười để phê phán những thói xấu trong xã hội, từ đó giúp học sinh biết cái xấu, thói xấu để tránh và bồi dưỡng những thói quen, hành vi đẹp.

Tuy vậy cũng là một giáo viên bậc THCS và có dạy chương trình lớp 8, ông Bảo nhận xét nguồn ngữ liệu trong đề chưa ổn. Vì nguồn này chưa uy tín.

Đề thi không sai nhưng với lứa tuổi học sinh thì sẽ gây ra cho các em có những cái nhìn lệch lạc về người thầy. Ví dụ người lớn đọc đề này thì họ sẽ biết được rằng có những người thầy rất tốt nhưng có những người thầy cũng có những thói hư, tật xấu.

Vì vậy việc tìm ngữ liệu trong ra đề, giáo viên nên quan tâm đến tầm nhận thức, góc nhìn của học sinh mà văn bản nêu tới.

“Việc ra đề của giáo viên hiện nay rất khó, ngoài đảm bảo yêu cầu đánh giá của môn học và một số yếu tố khác, giáo viên rất lo lắng việc búa rìu dư luận bủa vây.

Mà dư luận nhìn chung họ không hiểu về chuyên môn, không biết trên lớp giáo viên đã dạy gì, cần đạt điều gì” – ông Bảo nhìn nhận.

Giáo viên cần tuân thủ 5 nguyên tắc

Theo ThS Trần Lê Duy – giảng viên khoa ngữ văn – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nội dung của đề kiểm tra học kỳ I của Trường Colette không bôi xấu nhà giáo như một số người nghĩ.

Tác phẩm văn học dân gian phê phán một số thói hư tật xấu của con người trong xã hội cũ và tới nay vẫn có giá trị, thông qua tiếng cười hướng con người tránh thói hư tật xấu, hướng đến những phẩm chất đẹp đẽ.

Để giáo viên đảm bảo trong sáng tạo đề nhưng vẫn đạt được mục đích ra đề và đề đúng, trúng, giáo viên cần tuân thủ 5 nguyên tắc. Thứ nhất, kỹ thuật ra đề phải có bảng đặc tả trước khi ra đề. Bộ Giáo dục và Đào tạo có mẫu và hướng dẫn ra đề. Hỏi theo chuẩn đầu ra.

Thứ hai, đó là nguyên tắc tìm ngữ liệu. Tìm ngữ liệu không dễ nhưng không quá khó. Về nguyên tắc phải chọn ngữ liệu có uy tín, tức là giáo viên nên chọn ngữ liệu từ những nguồn tin cậy. Muốn vậy, giáo viên cần chịu khó đọc, tra cứu và thẩm định kỹ.

Thứ ba, giáo viên cần chú ý độ khó của ngữ liệu. Đối với ngữ liệu có độ khó phải tương đương các văn bản trong sách giáo khoa. Ngữ liệu phải đạt tính thẩm mỹ, hướng con người tới cái đẹp, cái hay, có tính giáo dục. Vì thế, ngữ liệu của đề thi Trường Colette có những vấn đề hơi phản cảm.

Thứ tư, người ra đề phải xử lý ngữ liệu, đối với những văn bản tương đối khó thì có thể ghi chú, giải thích cho học sinh, cung cấp thêm thông tin.

Thứ năm, giáo viên ra đề cần đặt bản thân vào vị trí của học sinh để đề đạt tính phân loại, vừa tầm nhận thức và tâm lý.

Để đề thi vừa sáng tạo vừa đảm bảo các yếu tố giáo dục

Trả lời Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng sau sự việc đề thi ngữ văn nhận nhiều phản ứng trái chiều của dư luận, các giáo viên cần chú ý ngữ liệu, chọn ngữ liệu từ những nguồn uy tín.

Đó là điều căn bản để giáo viên vừa có thể sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo được những yếu tố giáo dục trong các đề thi.

Chọn ngữ liệu đề thi văn thiếu tế nhị, nhà giáo bức xúcChọn ngữ liệu đề thi văn thiếu tế nhị, nhà giáo bức xúc

‘Tôi không hiểu người ra đề nghĩ như thế nào mà lại đưa ngữ liệu hạ thấp hình ảnh nhà giáo vào đề thi văn như vậy?’.

zalo-icon
facebook-icon