Để đất làm trường sướng cái bụng hơn

Vợ chồng già Mong bên căn nhà của họ – Ảnh: TRẦN MAI

Khuôn mặt khắc khổ, thân hình nhỏ bé và rất kiệm lời. Nhưng đằng sau hình hài ấy là tấm lòng to lớn. Chuyện ông Phạm Văn Mong (68 tuổi, thôn Trà Nô, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) tự nguyện hiến đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học vẫn được cán bộ và nhân dân miền núi nhắc đến bằng lòng biết ơn.

Còn với ông, mảnh vườn nhỏ đi hay rộng thêm cũng không phải là vấn đề quá lớn. Trong suy nghĩ đơn giản của người đàn ông đồng bào H’re này có đường cho dân đi, có trường cho con cháu học lớn hơn tất cả.

Từ hiến đất xây trường cho con cháu học

Ông Phạm Văn Phân, bí thư Đảng ủy xã Ba Tô, khởi đầu câu chuyện về già Mong rằng bóng đại ngàn phủ khắp non cao, người H’re – chủ nhân của vùng sơn cước này vẫn giữ những nét truyền thống văn hóa quý báu. Đó là việc làng việc xã cao hơn việc nhà.

“Già Mong là một người tiên phong trong hiến đất làm những công trình công ích. Ông ấy đã hiến diện tích đất giáp quốc lộ 24 cho Trường tiểu học Ba Tô và chấp nhận lùi vào xóm sinh sống. Cái tình cái nghĩa ấy không mấy người làm được đâu”, ông Phân nói.

Câu chuyện của bí thư Đảng ủy xã tiếp nối trong lúc chờ ông Mong về nhà. Chỉ về phía non cao, ông Phân bảo già Mong đang bận lùa đàn trâu xuống núi mới có thời gian tiếp chuyện được.

Cuộc sống của già Mong vẫn khó khăn, nếu bán 600m2 đất giáp với quốc lộ đã hiến để xây trường ít gì cũng vài trăm triệu đồng. Số tiền ấy quá lớn so với cuộc sống của già Mong hiện tại. Nhưng vì con cháu có nơi học hành tốt, già Mong đã bỏ qua những toan tính riêng mình.

Trời đứng bóng, nắng treo mình qua sườn đồi, già Mong mới về đến nhà.

Ông phân bua phải gửi đàn trâu cho hàng xóm nên về muộn và vội hỏi ông Phân có chuyện gì của xã, của làng mà đến nhà ông bất ngờ vậy. Ông Phân bảo: “Già Mong là vậy, luôn nghĩ cho làng cho xã trước khi nghĩ cho mình”.

Tiếp chúng tôi, trong căn nhà ở xóm Di Dời, thôn Trà Nô (cách quốc lộ 24 vài chục mét) già Mong bảo rằng trước đây ông sống ở xóm Nước Ố, những trận mưa núi khiến vết nứt rộng ra, cả làng được chính quyền vận động di dời về đây sống và cái xóm nhỏ nơi ông ở có tên là xóm Di Dời từ đó.

“Nhà tôi trước kia ra tận quốc lộ, đất đẹp lắm. Nhưng hiến làm trường rồi, làm cho con cháu học. Mình ở trong xóm vầy cũng được”, già Mong tâm tình.

Trò chuyện mới biết từ ngày về xóm Di Dời, ông Mong chứng kiến bọn trẻ học hành trong ngôi trường cũ kỹ đã không ưng cái bụng. Ông ước gì trường học khang trang, những thế hệ tiếp sau của đồng bào mình an tâm học tập.

Cái chữ sẽ nâng cao nhận thức và là hành trang cho những đứa trẻ H’re đi xa hơn cha ông mình. Và dĩ nhiên, sự khang trang của một ngôi trường sẽ giúp cho phổ cập tiểu học sẽ nhanh chóng đạt được, không còn là mục tiêu trong những năm tới của địa phương nữa.

Năm 2015, mong ước của già Mong đã trở thành sự thật khi ngân sách được rót về xây dựng trường. Trong niềm vui ấy, ông nghe mọi người nói khuôn viên trường có nhiều vị trí chông chênh, nếu xây dựng phải mất nhiều chi phí san lấp mặt bằng.

Chính ban giám hiệu nhà trường cũng đắn đo khi phần chi phí tăng thêm này sẽ làm giảm bớt hạng mục ở trường khi đầu tư. Đúng lúc ấy, già Mong đứng ra hiến 600m2 đất bằng phẳng sát quốc lộ 24 (ngay bên cạnh trường) để có thêm quỹ đất đầu tư xây mới.

Dĩ nhiên quyết định của già Mong khiến nhiều người bất ngờ bởi chính quyền chưa đến vận động ông hiến đất, nhà trường cũng chỉ tính toán “cân đối” tiền san lấp mặt bằng.

Già Mong hiến đất đã tháo gỡ những “nút thắt” lúc xây trường. Nhà trường từng bước xây mới khu rèn luyện thể thao, nhà hiệu bộ, phòng học…

Thầy Trần Văn Xuân, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Tô, bảo rằng cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục miền núi, thầy hiểu rõ khó khăn về địa hình để tìm ra phần đất bằng phẳng để xây dựng trường không dễ dàng gì. Vì thế, nhà trường rất cảm kích trước việc làm của già Mong.

“Chất lượng dạy và học của trường được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Được như vậy có công rất lớn của già Mong. Chúng tôi biết ơn điều đó, phần đất già Mong hiến quy ra tiền có giá trị cao nhưng tôi nghĩ không thể tính giá trị bằng tiền được. Tấm lòng của già và gia đình với giáo dục đếm bao nhiêu cho đủ”, thầy Xuân tâm sự.

Để đất làm trường sướng cái bụng hơn - Ảnh 2.

Già Mong cùng học trò nhỏ tại Trường tiểu học Ba Tô, nơi ông hiến đất – Ảnh: TRẦN MAI

Nói thiệt, bán miếng đất đó là có tiền nhiều lắm. Nhưng tôi không bán đâu, để làm trường cho con cháu học sướng cái bụng hơn.

Già MONG

Đến hiến đất làm đường cho bà con đi

Trong nhà, không có vật dụng nào có giá trị, nhiều nhất là những tấm bằng khen, giấy khen treo cẩn thận trên tường. Đó là sự ghi nhận của các cấp, các ngành với việc tiên phong, gương mẫu đi đầu của gia đình già Mong trong tất cả các công việc của cộng đồng. Với già Mong, những tấm bằng khen, giấy khen ấy là tài sản vô giá và quý nhất. Có lẽ vì vậy mà tất cả được treo ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà nhỏ bé của già.

Đang trò chuyện việc hiến đất xây trường, ông Phân nói nhỏ: “Già Mong còn hiến đất làm đường cho bà con đi lại nữa”. Quá bất ngờ, chúng tôi hỏi thì già Mong cười hiền lành: “Hiến cho bà con có đường đi, mình giữ thì bà con khổ”. Hóa ra, con đường bêtông trước nhà già Mong có đến 1.800m2 đất ông hiến.

Năm 2016, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, con đường nhỏ bé trước nhà già Mong được địa phương họp bàn mở rộng. Ông Mong nghe mà khấp khởi mừng. Bởi đó là mong ước của bao thế hệ người dân địa phương. Nhất là cuối con đường ấy có 30 hộ dân xóm Mang Ka Rế sinh sống.

Dẫn chúng tôi ra con đường bêtông rộng rãi, già Mong bảo rằng trước đây chỉ là một lối mòn nhỏ. Người dân đi làm nương rẫy, chở nông sản rất khó khăn. Khổ nhất là xóm Mang Ka Rế vào mùa mưa muốn ra trung tâm xã là một hành trình nhọc nhằn khi đường mòn vốn đã nhỏ lại bị nước phá hỏng, lồi lõm. Nhiều nơi sạt lở chỉ còn lại sườn núi và vực thẳm. Ra vào Mang Ka Rế phải gửi xe máy ngoài quốc lộ rồi đi bộ. Có thể ông Mong không biết nhiều về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng nhìn bà con khổ, già Mong chỉ muốn nỗi khổ ấy được xóa bỏ.

Năm 2016, trong quá trình đo đạc, cắm mốc, khoảng 1.200m2 đất vườn của gia đình già Mong bị ảnh hưởng. Ông Mong gật đầu hiến đất mở đường. Tại cuộc họp dân hôm ấy, những tràng vỗ tay vang lên, ai cũng vui mừng khôn xiết. Cán bộ, người dân cảm ơn già Mong, còn ông thì xua tay “Việc làng đất vàng cũng hiến, bà con đi lại thuận tiện tôi cũng vui”.

Tấm lòng của già Mong quả thật to lớn, bởi nhà ông cách quốc lộ chỉ vài bước chân. Nếu không nghĩ cho người khác, ông sẽ không bao giờ đồng ý hiến phần đất ấy. Từ bất ngờ này đi đến bất ngờ khác, khi tuyến đường hoàn thành bà con đi lại đã ổn, thì năm 2018 xã Ba Tô tiếp tục mở rộng tuyến đường để bà con vận chuyển nông sản dễ dàng.

Thế là già Mong tiếp tục hiến thêm 600m2 nữa. Thật sự nể phục già Mong, trong 3 lần hiến đất xây trường, làm đường, 2.400m2 đất của riêng ông đã trở thành của chung. Căn nhà của ông giờ trở nên nhỏ bé, vườn tược rộng rãi trước đây đã không còn. Vậy mà ông vẫn nở nụ cười. Niềm hạnh phúc chân dị của một tấm lòng.

Ông Phân nói: “Mỗi lần hiến đất, già Mong còn đốn hạ số lượng lớn cây keo, cau sắp đến kỳ thu hoạch, tháo dỡ vật dụng trên đất với giá trị hơn 100 triệu đồng mà chẳng đòi hỏi kinh phí bồi thường. Già Mong quá tốt”.

Còn già Mong thì nói rằng: “Cô, chú thấy đấy, từ ngày con đường được đầu tư bài bản đã mở ra biết bao cơ hội cho người dân. Nông sản theo những chuyến xe bon bon tới chợ. Lương thực, thực phẩm từ miền xuôi chở lên tận nơi. Nhờ đó mà các gia đình có của ăn của để, thoát khỏi cảnh thiếu đói.

Thấy bọn trẻ tung tăng cắp sách đến trường, có chỗ học hành, vui chơi khang trang, nói thật là vợ chồng tôi ưng cái bụng lắm”. Niềm hạnh phúc của già Mong xem chừng cũng hiếm trong thời buổi tấc đất tấc vàng này…

Người tiên phong

Từ sự nêu gương của ông Mong, số hộ dân hiến đất ngày càng nhiều hơn. Ngoài phát dọn bờ rào, chặt cây cối, người dân cùng nhau ủng hộ ngày công để làm đường bêtông và các công trình phúc lợi.

Ông Phạm Văn Phân, bí thư Đảng ủy xã Ba Tô, lật “cuốn sổ vàng” ghi chép những hộ dân hiến đất vì cái chung của xã. Nào là già Phạm Văn An hiến hơn 500m2 đất xây Nhà văn hóa thôn Mang Lùng 2, ông Phạm Văn Đẽ hiến 130m2 đất để xây dựng Nhà văn hóa thôn Trà Nô…

“Chính quyền địa phương rất cảm ơn già Mong, ông ấy đã tiên phong và tạo ra phong trào hiến đất xây dựng “điện đường trường trạm” trên địa bàn xã. Già Mong đã làm “cầu nối” giữa ý Đảng với lòng dân”, ông Phân nói.

Thầy Ba Thầy Ba ‘khùng’ hiến đất làm trường

TTO – “Khi biết tôi hiến đất làm trường, làm đường, nhiều người nói tôi khùng. Nhưng mình không tự nguyện làm vậy thì con cháu mình muôn đời không có trường để học, không có đường để đi” – thầy giáo Bàn Văn Ba lý giải biệt danh mà nhiều người đặt cho mình…