Để con không bị nhấn chìm trong Internet

Không thể cấm trẻ em dùng Internet nhưng cần có “chính sách” để trẻ an toàn trên môi trường mạng – Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

CEO của một công ty công nghệ cho biết sau khi đọc số liệu này, điều đầu tiên ông nghĩ đến là những rủi ro tiềm ẩn.

Ông Cao Văn Hạnh – CEO Công ty công nghệ Ecomkey – cho rằng không thể phủ nhận rằng trẻ em ngày nay sinh ra và lớn lên gần như hoàn toàn trong thời đại công nghệ, nghĩa là việc các em có được môi trường tiếp xúc với Internet từ sớm là bình thường.

Tuy nhiên, sử dụng Internet hay các thiết bị số với thời lượng kéo dài trong ngày lại ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sự phát triển về tâm lý, hành vi của các em.

Bình thường và bất thường của thời đại số

Theo ông Hạnh, trong thế giới phần mềm càng phong phú, các nội dung số ngày càng được phát triển theo hướng đưa vào thêm những tính năng gây nghiện cho người dùng.

Mức độ gây nghiện sẽ được tính toán tùy vào nhà sản xuất phần mềm nhưng chắc chắn luôn tồn tại nhằm “giữ chân” người dùng trong sự cạnh tranh khốc liệt giữa rất nhiều ứng dụng.

“Trong khi đó, hiện nay có rất ít những công cụ số có thể kiểm soát được nội dung của đa số nội dung trên Internet cho trẻ em.

Phần lớn các em dùng chung các phần mềm như người lớn, chẳng hạn cùng một phần mềm YouTube, TikTok, Facebook, cùng chơi một tựa game. Rất ít có các công cụ tạo một môi trường số riêng cho trẻ em” – ông Hạnh nói.

Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc – giám đốc điều hành Cyber Purify – cho biết đơn vị từng thực hiện nghiên cứu những mối nguy hại trên môi trường Internet với trẻ em. Một số kết quả cho thấy có tới hơn 79% trẻ em tiếp xúc không mong muốn với nội dung khiêu dâm trên Internet.

Cũng khoảng 70% trẻ em cho biết mình từng gặp phải tình trạng bắt nạt trên mạng. Ngoài ra là những nguy cơ khác như những nội dung gây hoảng sợ, nội dung có ngôn ngữ thù hận…

Bên cạnh đó, nhiều trẻ em cũng chưa biết cách bảo vệ “danh tính số” của mình. Theo bà Trúc, nhiều bạn trẻ hồn nhiên gia nhập các hội nhóm mạng xã hội phát ngôn tùy tiện, chia sẻ bí mật cá nhân, hoặc thậm chí có thể tung tin giả và sai sự thật, nhưng không biết rằng có thể tiềm ẩn nguy hiểm.

Bởi vì mọi hành vi của người dùng trên mạng xã hội đều được hệ thống ghi lại và có thể gây bất lợi cho chính em ấy.

Nguồn: Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) – Đồ họa: T.ĐẠT

TS NGUYỄN ĐÔNG HẢI

Cha mẹ không nên lo lắng khi con không nghe lời mình, mà hãy lo lắng vì con luôn quan sát mình. Chính cha mẹ sẽ là những tấm gương phản chiếu cho con. Thời gian rảnh, cha mẹ chỉ biết dùng điện thoại thì con cái cũng sẽ bắt chước. Ngược lại nếu cha mẹ dùng thời gian thường đọc sách, chơi thể thao thì con cũng sẽ học như thế. Cha mẹ chỉ cần thay đổi chính mình, con cái sẽ dần thay đổi theo.

Những nguyên tắc dành cho phụ huynh

TS Nguyễn Đông Hải – từng có nhiều năm giảng dạy tại ĐH Tennessee Wesleyan (Mỹ) – cho rằng cách tiếp cận ở nhiều trường phổ thông tại Mỹ là không cấm đoán học sinh sử dụng các thiết bị công nghệ, ngay cả trong phạm vi trường học.

Trẻ được khuyến khích sử dụng các nền tảng số, thậm chí không ít trường còn cấp cho mỗi học sinh một chiếc laptop để phục vụ học tập. Trong giờ học, nhiều thầy cô yêu cầu trẻ dùng các thiết bị này để lên Internet tìm kiếm thông tin.

Dù được “mở cửa” như vậy nhưng trên trường, học sinh thường không mặn mà “cắm mặt” vào laptop. Theo ông, các trường phổ thông khuyến khích và tạo thêm môi trường cho trẻ tham gia rất nhiều hoạt động thú vị khác như đọc sách, chơi thể thao, văn nghệ, tham gia các câu lạc bộ…

Từ quan điểm này, TS Nguyễn Đông Hải cho rằng phụ huynh cũng có thể áp dụng với các em trong gia đình. Không nên để các hoạt động của các em quá “nghèo nàn” đến nỗi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cho con dùng điện thoại, máy tính.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Thu Huyền – hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada – gợi ý một nguyên lý đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả phụ huynh có thể giáo dục con về việc dùng Internet hay thiết bị điện tử, đó là nguyên lý “giờ nào việc nấy”.

Mỗi ngày, con sẽ có nhiều “việc” khác nhau, từ ăn, ngủ, vận động đến học hành, giao tiếp, giải trí. Nếu đưa “truy cập Internet” hay “dùng điện thoại” vào danh sách các “việc” hằng ngày của con, thì đầu mục này không được “xâm lấn” đến các mục khác.

Cụ thể, không thể dùng điện thoại khi đang giờ ăn, hoặc trong giờ giải trí hay giờ chơi thì cũng nên có những hoạt động giải trí, chơi đúng nghĩa.

Hạng mục “truy cập Internet” hay “dùng điện thoại” sẽ được phân bố vào một khoảng thời gian riêng và có một thời lượng rõ ràng, không diễn ra song song cùng các việc khác.

“Đặc biệt là việc ngủ. Không chỉ việc truy cập Internet không được lấn sang thời gian ngủ, mà phụ huynh cũng nên không cho con dùng các thiết bị điện tử trước giờ ngủ khoảng 1 tiếng” – cô Huyền nói.

Ranh giới giữa online và offline ngày càng thu hẹp

Đầu năm 2023, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF đưa ra một báo cáo chủ đề “Môi trường online an toàn cho trẻ em – Những chiến lược và thách thức toàn cầu”.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Văn phòng nghiên cứu của UNICEF, trong đó chỉ ra những thuận lợi cùng nguy cơ tác động đến sự phát triển của trẻ em trong thời đại số.

Nhiều lời khuyên dành cho phụ huynh cũng được báo cáo đưa ra để tăng cường nhận thức và hành động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đặc biệt về nguy cơ lộ thông tin, xâm hại, bắt nạt trên mạng, nghiện Internet…

Ông Gordon Alexander – giám đốc Văn phòng nghiên cứu của UNICEF – cho rằng ranh giới giữa hai thế giới “online” và “offline” ngày càng được thu hẹp. Trẻ em trong thời đại số có thể dịch chuyển dễ dàng qua cả hai môi trường thực và số.

“Internet mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho trẻ em về học tập và hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, Internet cũng khiến trẻ tiếp xúc với những nguy hiểm, bất kể tuổi tác, vị trí địa lý và các ranh giới khác.

Trách nhiệm với người lớn để đặt ra một khuôn khổ đảm bảo trẻ em bình đẳng và công bằng truy cập Internet, cùng với một sự an toàn hơn môi trường trực tuyến” – ông Gordon Alexander nói.

Đừng giao Internet làm “bảo mẫu”

Ông Cao Văn Hạnh cho rằng hình ảnh cực kỳ phổ biến ở Việt Nam là phụ huynh để trẻ ngồi yên một chỗ, mắt “dán” vào những chiếc điện thoại, iPad, laptop, còn mình thì “rảnh tay” làm việc riêng. Hình ảnh này dễ dàng được nhìn thấy từ những nơi công cộng như các quán ăn, quán cà phê đến cả trong gia đình.

“Tôi thấy như thế chẳng khác nào phụ huynh đang giao cho Internet là “bảo mẫu” cho con mình, chỉ vì cha mẹ không đủ thời gian hoặc sự quan tâm dành cho con hay sao? Nhiều bạn bè tôi đã nhận ra được việc phó thác con cho bảo mẫu Internet.

Hai em đang chơi iPad - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hai em đang chơi iPad – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Họ đã chủ động giảm công việc lại để có thời gian dành cho con nhiều hơn, nhất là những ngày cuối tuần. Khi đã có thời gian “chất lượng” dành cho con cái, cha mẹ sẽ nghĩ ra được rất nhiều hoạt động gắn bó cùng con” – ông Hạnh nói.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể “điều hướng” cho con sử dụng Internet sao cho hữu ích nhất. Chẳng hạn, thay vì cho con dùng Internet chỉ để lướt TikTok, coi clip “nhảm”…, phụ huynh có thể tìm một số tựa game vừa chơi vừa học cho con trải nghiệm. Hoặc phụ huynh cũng có thể ra một chủ đề nào đó con hứng thú để con tập kỹ năng tìm kiếm, tư duy…

Coi lén điện thoại của con: Tưởng hiểu con, không ngờ đẩy con xa hơnCoi lén điện thoại của con: Tưởng hiểu con, không ngờ đẩy con xa hơn

TTO – Cách đây không lâu, mình từng chứng kiến chuyện lùm xùm của một anh người quen bị con gái ‘tố giác’ nhiều nơi vì anh… xem lén điện thoại của con trong thời gian dài.