Dạy tiếng Việt cho HS dân tộc: Thách thức lớn

Thách thức từ bất đồng ngôn ngữ

Cô giáo An Thị Tiến – Trường TH Tân Xuân (huyện Vân Hồ, Sơn La) – người gắn bó hàng chục năm với HSDT Mông nhận xét: Trong giao tiếp hàng ngày các em đều sử dụng tiếng mẹ đẻ, khả năng tiếng Việt hạn chế. Điều đó cũng khiến cho khả năng tiếp thu kiến thức gặp khó khăn. Giáo viên (GV) giảng dạy trên lớp buộc phải học tiếng dân tộc để truyền tải kiến thức đến HS.

Với những HS đã qua lớp mẫu giáo, được trang bị tiếng Việt từ sớm thì việc nghe, nói và hiểu tiếng Việt cơ bản, kĩ năng sử dụng tiếng Việt vào lớp 1 sẽ dễ dàng hơn. Bản thân các em cũng không khó khăn trong quá trình tiếp nhận kiến thức từ thầy cô so với những HS chưa được trang bị tiếng Việt.

Cô Tiến cũng cho rằng, HSDT hạn chế tiếng Việt thường tự ti, thu mình, thiếu mạnh dạn trong các hoạt động chung từ trên lớp đến sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng HSDT bị lưu ban, bỏ học ở cấp TH.

Ông Lê Trung Thành – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ (Hà Giang), cho biết: Với HS người DTTS, khi đến trường các em phải làm quen với một ngôn ngữ khác hoàn toàn tiếng mẹ đẻ nên quá trình học tập bị ảnh hưởng. Để trang bị tiếng Việt cho HS DTTS bước vào lớp 1, thời gian qua phòng GD&ĐT đã cùng các nhà trường khắc phục những hạn chế trong việc dạy học, xác định được vấn đề trọng tâm, lựa chọn các nội dung, kiến thức tiếng Việt gần gũi nhất để các em bước vào năm học mới khỏi bỡ ngỡ. Tăng cường phương pháp rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho HS, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy và học…

Ảnh minh họa

Chìa khóa của chất lượng giáo dục

Để tháo gỡ bài toán chất lượng giáo dục, các địa phương có HSDT đã coi công tác tăng cường tiếng Việt cho HSDT như giải pháp quan trọng và hiệu quả.

Ngành GD-ĐT Lâm Đồng có Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Mới đây, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã triển khai Kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi người DTTS hoàn thành chương trình giáo dục mầm non chuẩn bị vào học lớp 1 năm học 2019 – 2020.

Khóa học này trang bị cho HSDT chuẩn bị vào học lớp 1 vốn tiếng Việt cơ bản, tối thiểu. Từ đây giúp các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở dạng ngôn ngữ nói trong môi trường lớp học, đồng thời tạo tâm thế sẵn sàng đi học, hình thành một số nền nếp sinh hoạt, kĩ năng học tập để làm quen với bạn bè, thầy cô giáo. Đặc biệt, các em sẽ tự tin hơn trong học tập theo chương trình lớp 1 hiện hành, nâng tỉ lệ HS DTTS đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình lớp 1.

Chỉ tính trong dịp hè 2019 toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 6.639/7.317 HSDT tham gia chương trình tăng cường tiếng Việt (chiếm tỉ lệ 90%). Có 133 trường tiển khai thực hiện với 269 lớp, tổng số 6.595 em HS tham gia theo học. Có thể thấy, việc tăng cường tiếng Việt cho HSDT tại Lâm Đồng thật sự ý nghĩa và nhân văn, tạo điều kiện cho HS có tâm thế sẵn sàng đi học cũng như niềm vui được đến trường. Góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học của toàn tỉnh Lâm Đồng.

Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có tỉ lệ HSDT khá cao. Chỉ tính riêng bậc tiểu học, HS DTTS chiếm trên 40% với 35/47 thành phần DTTS. Đứng trước những thách thức trong giáo dục HSDT, Sở GD&ĐT Đắk Lắk thời gian qua đã chỉ đạo các trường TH chủ động thực hiện nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho HS lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết. Mặt khác tổ chức ôn tập tiếng Việt cho HS DTTS trong dịp hè trước khi vào năm học mới…

Để ngôn ngữ không còn trở thành rào cản đối với chất lượng giáo dục và HSDT thì việc tăng cường tiếng Việt cho HSDT cần đạt hiệu quả hơn nữa.

Không chỉ nhà trường mà cha mẹ của trẻ cũng cần tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà và tăng cường giao tiếp với trẻ thông qua việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học.

Cần phối hợp với hội cha mẹ, già làng để sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian của đồng bào DTTS, đưa vào sử dụng trong công tác giáo dục tại lớp mẫu giáo; khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động tập nói tiếng Việt.

Đặc biệt, phải tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề nâng cao năng lực cho CBQL, GV dạy HS DTTS và đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ. Tập trung dạy tiếng Việt cho HS DTTS như ngôn ngữ thứ hai với phương pháp và cách dạy học phù hợp. Xây dựng mô hình điểm về tăng cường môi trường tiếng Việt trong trường MN, TH có trẻ em người DTTS tại một số địa phương…