Dạy con trẻ bài học về món quà đầu xuân qua phong bao lì xì

Mỗi khi Tết đến, nơi nơi lại xôn xao chuyện lì xì và mừng tuổi. Trẻ con vừa hân hoan khoe áo mới vừa lí lắc đeo chiếc túi xách nhỏ xinh chờ được lì xì. Niềm vui của trẻ con trước giờ vẫn vậy, háo hức đợi chờ nhận phong bao đỏ thắm. Vậy nhưng, tôi đã nghe không ít tiếng thở dài vang lên xuất phát từ chính phong tục với ý nghĩa tốt đẹp đó.

Đầu tiên là tiếng thở dài và lời tâm sự đầy trăn trở của em gái tôi, một bà mẹ bỉm sữa: “Tết này em bỏ phong bao lì xì các cháu khoảng ba chục thôi, không biết có ai chê ít không nữa…”. Em băn khoăn số tiền lì xì có vẻ ít so với vật giá trong thời điểm hiện tại.

Sỡ dĩ em lăn tăn nhiều ít, thêm bớt vì món nợ ngân hàng lớn mà vợ chồng em vừa vay mượn để buôn bán. Canh cánh món nợ lớn bên lưng, mọi chi tiêu đều phải thắt chặt và tiền lì xì cũng phải bớt xén lại để trang trải nhiều thứ. Vậy mà em vẫn lo, lo nhất là bọn trẻ chê ít rồi mất lòng chị em, bạn bè, xóm giềng.

Tôi vội trấn an em rằng đừng cân đo đong đếm số tiền mừng tuổi ấy nhiều hay ít mà quan trọng nhất vẫn là tấm lòng của chúng ta trao gửi cho bọn trẻ. Vậy nhưng lời động viên của tôi chẳng thể xua tan nỗi ưu phiền trong lòng em.

Vợ chồng cậu tôi là viên chức vừa về hưu cũng lo toan chuyện lì xì khi Tết đến. Cứ mỗi dịp năm mới, cậu đều hào phóng rút ví lì xì mỗi cháu mỗi tờ pô-li-me mới cáu cạnh. Giờ lương hưu eo hẹp mà con cháu lại đông, quan hệ bạn bè rộng sẽ gộp quà mừng tuổi thành món tiền lớn.

Đó là một gánh nặng thật sự đối với những người bình dân không dư dả gì nhiều. Cậu tôi lo lắng chia sẻ cùng mọi người trong nhà rằng có lẽ sẽ đi chúc Tết và “lơ” khoản lì xì chứ bỏ ít tiền mừng tuổi lại phật ý người ta.

Muôn nỗi lo về chuyện mừng tuổi đang khiến không khí Tết trong lòng chúng ta vơi đi ít nhiều hương vị đậm đà.

Người có con, cháu còn mong mỏi “có đi, có lại” và cơ hội thu hồi “vốn”, còn bằng không thì y như rằng tiền nong “không cánh mà bay”. Ý nghĩa mừng tuổi đầu năm giờ đã không còn là chúc các cháu thêm một tuổi mới, chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, và gói ghém yêu thương, quan tâm, chia sẻ vào trong chiếc phong bao đỏ thắm.

Từ trước đến nay, phong bao đỏ thắm mỗi dịp Tết đến xuân về luôn gửi gắm niềm vui đến người nhận và cả người trao. Nhưng chẳng biết từ bao giờ tục lì xì đã biến tướng đi ít nhiều ở cả người trao và nhận.

Nhiều người quá đặt nặng chuyện quà cáp, ơn nghĩa, vật chất nên luôn quan niệm rằng tiền lì xì phải rượt đuổi theo vật giá, năm này phải nhiều hơn năm trước. Đó còn chưa kể nhiều người mượn chiếc phong bao mừng tuổi để “trả ơn nghĩa”, “tạo quan hệ”, “nhờ cậy” nên cố ý đặt vào đó những món tiền lớn khiến con trẻ cứ nhận quen tay rồi lầm tưởng về giá trị của tục lì xì.

Rồi chính người lớn chúng ta tập hư cho con trẻ khi bĩu môi chê bai phong bì này “ít hơn hẳn”, “lỗ vốn”, “chẳng huề nổi” mỗi khi dạo quanh một vòng chúc Tết người thân, xóm giềng. Chính những lời nói vô tình và cố ý đó đã gieo vào lòng con trẻ những gợn sóng lăn tăn về giá trị kim tiền trong mỗi chiếc phong bao.

Khi người người, nhà nhà đua chen nhau nâng giá trị của mỗi chiếc phong bao, phong bì lì xì thì gánh nặng kinh tế mỗi dịp Tết lại hiện hữu và trút bao phiền muộn lên chính người lớn chúng ta. “Của cho” không bao giờ giá trị bằng “cách cho”! Hãy trao yêu thương, quan tâm và lời chúc may mắn dịp đầu xuân bằng những món tiền hợp lý để phong tục lì xì không biến tướng nặng mùi tiền!

Muốn vậy, mỗi người lớn chúng ta có lẽ phải học lại ý nghĩa của tục mừng tuổi, học lại cách trao đi yêu thương. Có như thế chúng ta mới dạy con trẻ bài học đúng đắn về món quà đầu xuân qua những phong bao lì xì đỏ thắm…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!