Dạy con phòng đuối nước tại nhà

Vậy, ngay tại gia đình, cha mẹ hãy là những huấn luyện viên bơi lội và trang bị kiến thức phòng tránh đuối nước cho con.

Tự cứu mình và cứu người

Dạy con ứng phó với tai nạn đuối nước sẽ giúp con bảo toàn tính mạng không chỉ cho bản thân mà còn cho những người khác. Vậy kiến thức nào con cần có để thoát khỏi tai nạn đuối nước?

Đối với việc phòng tránh tai nạn đuối nước, bên cạnh kỹ năng bơi lội cá nhân, cha mẹ nhất thiết trang bị cho con khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi chứng kiến người gặp nạn.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, huấn luyện viên bơi lội – Giám đốc Trung tâm E-Bơi, trẻ cần ý thức được mối nguy hiểm tiềm ẩn từ ao hồ, sông suối. Trong trường hợp không may bị rơi xuống nước thì nên bình tĩnh tìm cách bám vào những cành cây và những vật nổi lên trên mặt nước và kêu cứu. Tuyệt đối không cuống cuồng đạp chân tay loạn xạ gây đuối sức nhanh, bình tĩnh chờ người đến cứu.

“Khi ở dưới nước mà trẻ không chạm được chân xuống đáy, sẽ vô cùng hoảng hốt. Các cha mẹ cần hướng dẫn con tập thả lỏng cơ thể dưới nước, nín thở. Vì cơ thể người vẫn có không khí, nên khi nín thở và thả lỏng người, cơ thể tự động nổi lên trên mặt nước. Lúc đó con chỉ khoát nhẹ tay để người trôi đi.

Cố lái người vào bờ hoặc vào gần những vật nổi trên mặt nước như: Tấm gỗ lớn, phao bơi, hoặc xốp. Ra tín hiệu bị đuối nước cho những người lớn ở gần đó biết để họ cứu giúp”, huấn luyện viên bơi lội Phạm Anh Tuấn lưu ý.

Kỹ năng cơ bản, cha mẹ cần giúp con nắm được để giúp người gặp nạn là khi người bị đuối nước được đưa lên bờ thì thực hiện ngay các thao tác sơ cứu tại chỗ: Đặt nạn nhân nằm xuống, dùng 2 bàn tay đặt lên nhau ép lên ngực. Sau mỗi 2 lần ép, hãy cúi xuống thổi hơi vào miệng. Khoảng 3 lần như thế nước ở đâu trong miệng người đuối nước sẽ trào ra và có thể họ sẽ tỉnh lại.

Phổ cập bơi ngay tại gia đình

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có tới khoảng 3 nghìn trẻ em bị tai nạn đuối nước. Đặc biệt là vào dịp nghỉ hè, thời gian rộng dài cộng với thời tiết nóng nực sẽ khiến nước trở nên hấp dẫn vô cùng.

Tuy nhiên, cho con vui chơi thế nào để an toàn và không gặp phải những tai nạn đáng sợ như đuối nước là điều cha mẹ nào cũng canh cánh.

Trong điều kiện nước ta, phổ cập học bơi để thoát đuối nước là định hướng còn thiếu tính khả thi. Học bơi cần có bể bơi, điện, nước, hóa chất, giáo viên dạy bơi…

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế mỗi gia đình, thời gian của bố mẹ, lịch học tập của con, thời tiết… cũng là những yếu tố rào cản, ảnh hưởng đến thành công của vấn đề phổ cập bơi cho trẻ em.

Thấu hiểu những bất cập do điều kiện thực tế và tầm quan trọng của việc dạy trẻ biết ứng phó với các tình huống đuối nước, ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm E-Bơi đã nghiên cứu và triển khai thành công gói kiến thức hỗ trợ cha mẹ tự phổ cập các kỹ năng bơi lội cho con tại nhà, bằng hình thức đơn giản, tiết kiệm, bất cứ gia đình nào cũng dễ dàng thực hiện được.

Với “10 biết” về bơi lội và đuối nước, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng hoàn toàn có thể huy động toàn dân tham gia phòng chống đuối nước (PCĐN).

“Một biết, đuối nước – Tại sao?/Hai biết, đuối nước nơi nào xảy ra?/ Ba, Bốn biết nước, biết ta/Năm là, biết cách thở ra, thở vào/Sáu biết, lặn – nổi lên cao/Bảy biết, chuyển động thế nào cho xinh?/Tám, bơi kiểu dịch cân kinh. (Thoát đuối, thoát hiểm dễ học vì thân người chỉ nhấp nhô lên xuống thẳng đứng hay xiên xiên với mặt nước nhờ lực quạt tay, lực đẩy nổi của nước và trọng lực)/Chín là biết cứu bạn mình khi nguy/Mười – nhấn tim, thổi ngạt học đi/Phòng chống đuối nước có gì khó đâu!”.

Chuyên gia bơi lội Phạm Anh Tuấn cho biết: “Gói 10 Biết trong Phòng chống đuối nước” giúp trẻ nhỏ ở mọi vùng miền Tổ Quốc được bảo vệ an toàn trước nguy cơ đuối nước một cách bình đẳng.

“Có một vài nội dung của Gói 10 biết không hề xa lạ, không hề mới với những người làm công tác PCĐN. Nhưng rất tiếc nó lại xa lạ, rất khác với những hiểu biết về đuối nước và PCĐN của trẻ em và số đông dân chúng. Quan trọng là “trẻ cần được học rằng…” chứ không phải “chúng ta biết rằng…”, chuyên gia Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nên lưu ý, đuối nước không phải vì không biết bơi mà vì bị nước (hay một chất lỏng) xâm nhập vào khí quản gây ngạt thở, gây đuối sức. Nạn nhân ngạt thở lâu, não sẽ bị tổn thương, nếu cứu được thì hệ thần kinh cũng bị ảnh hưởng; không cứu được thì chết đuối. Có đuối nước sơ cấp, có đuối nước thứ cấp (đuối nước khô), có trẻ bị đuối nước ở những chỗ nông không bơi được, có người bơi giỏi vẫn bị đuối nước.

Trẻ cũng cần được học rằng, đuối nước rất nguy hiểm vì nó có thể xảy ra thầm lặng ở ngoài ngõ (biển, sông, ngòi, ao, hồ, đầm phá…) và ngay ở trong nhà (bể cá, chum vại, chậu, xô, máy giặt, bồn tắm có nước…). Nơi nào có mặt nước hở ra là nơi đó ẩn chứa nguy hiểm.

Bài tập đơn giản nhất, hãy giám sát và cho trẻ lặn thụt đầu vào nước và bật nhảy thoát hiểm trong phi nước 200 – 250 lít, hoặc trong bể bơi mini plastic sâu tầm 60 – 70cm. Sau lặn là học thả nổi sấp. Những bài tập này giúp hình thành kỹ năng bơi lội và giúp trẻ hiểu thêm về nguy hiểm khi bị đuối nước.

Điều cốt yếu, trẻ cần biết rằng, nước là môi trường lỏng. Do lực đẩy nổi của nước và sức hút Trái đất, khi ta muốn vươn lên thì nước kéo ta xuống, khi ta muốn lặn xuống thì nước đẩy ta lên. Đây là lý do, tại sao người bị đuối nước cứ vùng vẫy nhấp nhô lên xuống xung quanh mặt nước cho tới khi uống no nước, chìm xuống. Nếu biết thở, biết lợi dụng lực đẩy nổi của nước thì đuối nước sẽ khó xảy ra.