Đào tạo ngành luật gặp khó khi giảng viên không được làm luật sư

Đại diện hơn 50 trường đại học đào tạo ngành luật tham gia hội nghị thường niên 2022 – Ảnh: M.G.

Đây là thông tin đưa ra tại Hội nghị thường niên mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành luật tại Việt Nam 2022 diễn ra ngày 11-3 tại TP.HCM và Cần Thơ.

Nhiều trường đại học cho biết việc phát triển, nâng cao chất lượng giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế, điều kiện cơ sở vật chất, chảy máu nhân sự từ công sang tư… cũng khiến việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành luật gặp khó khăn.

Theo PGS.TS Phan Trung Hiền – trưởng khoa luật Trường đại học Cần Thơ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hành nghề là ba nhiệm vụ mà một giảng viên luật cần phải đảm bảo.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo luật phần lớn chú trọng nhiều vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên như định mức giờ dạy, công bố quốc tế

Trong khi đó, hoạt động thực hành nghề vốn dĩ được xem là yếu tố không thể thiếu của giảng viên luật trên thế giới thì gần như bị bỏ sót, thậm chí là lãng quên ở nước ta.

Chính điều này đã làm cho không ít giảng viên luật thiếu kiến thức, kinh nghiệm từ hoạt động hành nghề trên thực tế.

Thay vào đó, họ chủ yếu tiếp cận kiến thức thực tiễn qua hoạt động nghiên cứu tài liệu, dẫn đến sinh viên chỉ được giảng dạy những kiến thức từ góc độ của nhà nghiên cứu nhìn vấn đề chứ không phải người thực tiễn nhìn vấn đề.

Điều này làm cho xu hướng giảng dạy luật thực định khó đạt được hiệu quả như mong đợi.

Một trong những nguyên nhân căn cơ gây khó khăn cho hoạt động thực hành nghề của giảng viên luật là do pháp luật hiện hành không khuyến khích giảng viên luật thực hiện hoạt động hành nghề. Cụ thể, viên chức dạy luật không được đồng thời hành nghề luật sư.

Từ bất cập này, ông Hiền kiến nghị cho phép viên chức là giảng viên luật được thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là hành nghề luật sư. Thêm vào đó, cần quy định giờ chuẩn thực hành trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, cần kết nối với tổ chức có chức năng hành nghề thực tiễn như trung tâm trợ giúp pháp lý (sở tư pháp), các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, hội luật gia… nhằm hỗ trợ tư vấn pháp lý cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí tham gia tố tụng khi cần thiết.

Điều này tạo môi trường để giảng viên, sinh viên có cơ hội trau dồi chuyên môn, va chạm với các tình huống phát sinh trên thực tế.

Bên cạnh đó, để đào tạo luật hiệu quả, cần tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu pháp luật và hoạt động thực hành nghề luật. Cần thiết kế chương trình đào tạo theo mô hình của trường y, lồng ghép các khóa học giảng dạy với luân phiên thực hành.

Hơn 50 trường đào tạo luật tham gia mạng lưới

Được thành lập từ năm 2019, đến nay mạng lưới cơ sở đào tạo ngành luật có hơn 50 trường đại học, học viện tham gia. Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) là chủ tịch mạng lưới nhiệm kỳ 2021-2024.

Trong năm 2022, mạng lưới đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học cấp quốc gia, quốc tế về chia sẻ nguồn lực đào tạo, sở hữu trí tuệ, toàn cầu hóa, tư vấn pháp luật cộng đồng, trao đổi giảng viên và sinh viên…

Nằm trong chương trình hội nghị, hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam” cũng được tổ chức.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đào tạo ngành luật theo hướng chất lượng và chuyên sâu hơnChánh án Nguyễn Hòa Bình: Đào tạo ngành luật theo hướng chất lượng và chuyên sâu hơn

TTO – Ngày 21-11, ông Nguyễn Hòa Bình – ủy viên Bộ Chính trị, chánh án Tòa án nhân dân tối cao – đã có buổi gặp gỡ và chia sẻ với lãnh đạo, giảng viên và sinh viên Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM).