Đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia: Nỗ lực thay đổi diện mạo

Vào cuộc mạnh mẽ

Để công nhận trường trung học đạt chuẩn, các địa phương đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục… Trước đây, trường chuẩn chỉ cần đáp ứng yêu cầu về tổ chức; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị và công tác xã hội hóa giáo dục. Nay trường trung học muốn đạt chuẩn phải qua khâu tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng giáo dục. Quy trình công nhận bài bản, chặt chẽ nên xây dựng trường chuẩn không chỉ là việc nội bộ nhà trường, ngành Giáo dục mà cần sự tham gia của xã hội…

Cà Mau hiện có 271/535 trường đạt chuẩn quốc gia. Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT, kế hoạch đầu tư, nâng cấp, công nhận trường đạt chuẩn được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm nên có chuyển biến tích cực về nhận thức, quan tâm đối với kế hoạch ngắn hạn, trung hạn bằng nhiều hình thức lồng ghép. Đặc biệt, công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đi vào chiều sâu, đánh giá đúng thực chất.

Từ đầu năm học 2019 – 2020 đến nay, Sở GD&ĐT Hậu Giang tổ chức đoàn kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường. Qua kiểm tra, công nhận 18 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, có 2 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 4 trường THCS và 1 trường THPT. Nâng tổng số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng là 166 trường.

Nhờ kiểm định chất lượng giáo dục, các trường cải tiến công tác quản lý, nâng cao chất lượng thông qua giải pháp tổng thể. Theo thầy Trần Văn Phong, Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Hòa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), trước đây, trường gặp khó khăn vì thiếu thốn cơ sở vật chất, nhất là phòng chức năng và trang thiết bị. Qua việc đánh giá xác định điểm yếu, trường lên kế hoạch đầu tư, giờ đây cơ sở vật chất tốt hơn trước rất nhiều.

Thầy trò Trường Tiểu học Hưng Phú (Mỹ Tú, Sóc Trăng). Ảnh: Quốc Anh

Chú trọng đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng

Trong công nhận trường chuẩn, khâu đánh giá ngoài là quan trọng nhất với nhiều tiêu chí. Theo chia sẻ của một hiệu trưởng trường THPT, nếu hoàn thành khâu này xem như đủ điều kiện đạt chuẩn. Cụ thể, đoàn đánh giá ngoài sẽ tiến hành khảo sát và thực hiện các nội dung: Trao đổi với lãnh đạo nhà trường và Hội đồng tự đánh giá về công tác tự đánh giá của nhà trường; nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, minh chứng do nhà trường cung cấp; xem xét cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường; phỏng vấn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; thẩm định báo cáo kết quả khảo sát chính thức đánh giá ngoài và các nội dung liên quan…

Tuy nhiên, để đạt các yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia không hề dễ dàng. Việc này đòi hỏi tập thể nhà trường phải nỗ lực để đáp ứng từng tiêu chí. Khó khăn nhất là các trường THPT, vì yêu cầu, tiêu chí khá cao, trong khi nhiều trường nguồn nhân lực, vật lực, diện tích chưa đáp ứng…

Hiện nay, An Giang có 206/708 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 29,09%). So với khu vực và cả nước, đây là một trong những tỉnh có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia thấp. Theo đại diện Sở GD&ĐT, nguyên nhân do cơ sở vật chất trường học dù được đầu tư đáng kể nhưng chưa đồng bộ, chủ yếu xây dựng phòng học, còn thiếu nhiều phòng chức năng, phòng bộ môn. Mạng lưới trường lớp không tập trung, phân tán nhiều điểm lẻ, nhất là khu vực nông thôn. Ngoài tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc đầu tư xây dựng các tiêu chuẩn khác như tổ chức quản lý, xã hội hóa, việc huy động học sinh bỏ học trở lại trường hiệu quả chưa cao…

Đánh giá công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 – 2020, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chỉ ra những hạn chế, thách thức: Việc triển khai còn chậm về tiến độ, số trường đạt chuẩn chưa như mong đợi… Nguyên nhân cơ bản do công tác quy hoạch chưa khả thi; thiếu chủ động trong xã hội hóa giáo dục; mối liên kết trong công tác phối hợp quản lý giữa địa phương với nhà trường chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ… Thời gian tới, ngành GD-ĐT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quy hoạch hệ thống trường lớp tốt hơn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội…