Con ‘trượt’ giấy khen, ai mới là người buồn?

Năm nay con trai tôi hoàn thành lớp 4, không được giấy khen và tôi không bất ngờ vì điều đó.

Cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho tôi, bảo với điểm 6 môn tiếng Việt và điểm 5 môn toán thì năm nay con không thể được giấy khen. Cô có vẻ áy náy về điều đó. Rồi cô tâm lý nói sẽ tạo một chiếc thư khen để động viên con, để con không bị tủi thân, chạnh lòng với các bạn.

“Con đã cố gắng hết sức rồi”

Thực sự, tôi thầm nghĩ, đúng là các con không buồn vì “trượt” giấy khen, chỉ có phụ huynh buồn vì… không có cái để khoe. Lớp con có 56 bạn và như cô giáo nói, có bốn bạn giống con tôi, không có giấy khen.

Hôm qua con mang “Thư khen” của cô về. Khi tôi hỏi con có buồn vì không được giấy khen như các bạn không? Con trả lời tỉnh bơ: “Không mẹ ạ, con đã cố gắng hết sức rồi. Con thấy con cũng giỏi môn lịch sử và địa lý mà…”.

Tự nhiên, tôi cảm thấy nhẹ lòng. Lâu nay, tôi cứ lo con bị hụt hẫng, chạnh lòng, thất vọng về bản thân vì không thu hoạch được giấy khen sau một năm học. Nhưng đúng là chính người mẹ như tôi mới lo quá trớn. Bản thân con cũng nhận ra thế mạnh của mình là môn lịch sử – địa lý, vẫn tự hào vì học tốt môn đó, vậy sao tôi cứ phải làm quá?

Mấy hôm nay, trên Facebook, không ít bạn bè tôi đăng giấy khen của con lên khoe. Tôi hiểu những ông bố, bà mẹ ấy đang tự hào về con mình, về những thành tích con đem về.

Bản thân tôi vẫn suy nghĩ về lời cô giáo chủ nhiệm của con: “Thật sự khả năng mỗi bạn là khác nhau nên không phải muốn là bạn ấy sẽ đạt được. Cô mong món quà nho nhỏ này của cô có thể động viên con”.

Cô giáo động viên con tôi khi không được giấy khen như các bạn - Ảnh: KIM THOA

Cô giáo động viên con tôi khi không được giấy khen như các bạn – Ảnh: KIM THOA

Con không buồn vì “trượt” giấy khen, chỉ có phụ huynh buồn vì không có cái để khoe.

Tự hào vì con đã cố gắng

Một tấm thư khen của cô dành cho một học sinh có học lực trung bình vẫn đủ để con cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng, được ghi nhận. Tôi biết ơn cô đã ghi nhận sự cố gắng của con sau một năm học. Dù kết quả của con không tốt, nhưng cô vẫn trân trọng.

Con là một trong bốn bạn không được giấy khen của lớp, chỉ có học lực trung bình là một thực tế không dễ gì chấp nhận. Nhưng tôi vẫn luôn tự hào vì con đã cố gắng, tôi luôn trân trọng sự nỗ lực của con trong suốt một năm qua, một năm đầy vất vả của con. Tôi chỉ mong thấy con trưởng thành hơn ngày hôm qua, hơn mình của năm ngoái. Con gặt hái được nhiều niềm vui, kỷ niệm trong năm học với bạn với cô.

Tôi mong mỗi ngày đến trường của con thực sự là một ngày vui. Để con hào hứng mở những cuốn sách giáo khoa của năm học mới, không thấy áp lực, không lo sợ, căng thẳng vì năm học mới sẽ lại phải cắm cổ vào học, học cho ra điểm 10… Đó là một năm học thành công của con.

Tôi dừng lại ở lời nhận xét của cô tại môn lịch sử – địa lý: “Con yêu thích môn học, ham hiểu biết”. Đó là môn học tốt nhất của con với điểm 9. Tôi tin, con cũng có thế mạnh, niềm đam mê của mình dù đó không phải môn toán, môn tiếng Việt.

Chấp nhận điểm yếu của con

Tôi chấp nhận những điểm yếu của con và học cách đón nhận sự không xuất sắc, không hoàn hảo của con mình. Bởi thực tế khi không ép con vào cuộc đua thành tích, con sẽ không cảm thấy quá áp lực với chuyện học nếu như cha mẹ bớt kỳ vọng. Sự thật là đôi khi các con không buồn vì không có giấy khen, chỉ sợ làm cha mẹ thất vọng.

Được gì khi khoe con?Được gì khi khoe con?

Bài báo “Mùa khoe con” (Tuổi Trẻ, 24-5) thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Xin trích đăng một số chia sẻ, phản hồi của bạn đọc về chủ đề này.

zalo-icon
facebook-icon