Cô giáo tâm sự: “Mất ăn, mất ngủ” vì học sinh bỏ học

Nhiều người hay né tránh công tác chủ nhiệm cũng là điều dễ hiểu bởi chính áp lực “khổng lồ” trong nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) mà chúng tôi thường đùa nhau là “GV chịu trách nhiệm”.

Bên cạnh vô số trách nhiệm về chất lượng hai mặt, mũi nhọn học sinh (HS) giỏi, nề nếp HS, phong trào thi đua… thì nhiệm vụ duy trì số lượng HS cũng được “khoán trắng” cho GVCN lớp.

Ngay từ đầu năm học, khi nhận danh sách lớp, GV đã bị “mặc định” đảm bảo số lượng HStrong danh sách. Ngoại trừ các trường hợp chuyển trường hoặc kiểm tra trong hè không đạt thì những em chưa đến lớp trong ngày tựu trường sẽ giao cho GVCN chịu trách nhiệm tìm hiểu, điều tra, báo cáo với nhà trường.

Có nhiều HS còn “mải mê” nghỉ hè hoặc du lịch cùng gia đình chưa về thì GV còn có hy vọng và lý do chính đáng để trình bày với nhà trường. Vậy nhưng chẳng may gặp phải trường hợp HS bỏ học trong hè thì y như rằng GV phải bắt tay vào hành trình “vận động”.

GV hết thuyết phục phụ huynh lại chuyển sang động viên HS tiếp tục việc học. Nhưng không phải lúc nào nhiệm vụ ấy cũng thành công. Có em đã đi học nghề ở tỉnh khác được dăm bảy tuần, GV cũng phải “a lô” khuyên bảo, can ngăn. Rồi khi đã thật sự bất lực, GV phải hướng dẫn phụ huynh viết đơn xin nghỉ học làm hồ sơ nộp nhà trường.

Rồi khi danh sách lớp được duyệt và chốt lại, chỉ tiêu duy trì số lượng HS bao giờ cũng phải đạt 100%. Trong suốt năm học, GV bao giờ cũng phải bám sát lớp, cập nhật tình hình vắng trễ của HS qua từng buổi học. Và nếu HS có vắng học không phép 1 buổi là GV đã cảm thấy bất an, bấm số, liên lạc với gia đình.

Mỗi lần nghe phong thanh HS kháo nhau có bạn muốn bỏ học, gia đình nào muốn cho con đi học nghề là lòng GVCN đã trĩu nặng lo toan. Khi số buổi vắng nâng lên thành 2, 3 buổi, GV đã chuyển sang trạng thái lo lắng, bất an và cuối buổi dạy thế nào cũng phải chạy xe tìm đường về nhà HS tìm hiểu tình hình.

Hành trình vận động HS đến lớp không hề đơn giản. Ở thành thị đông đúc còn có thể dựa vào số nhà, ngõ kiệt để tìm kiếm, còn vùng nông thôn với những con đường ngút ngàn sẽ là thử thách không nhỏ đối với GV.

Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm trước, khi tôi nhận công tác ở một trường trung học cách xa trung tâm thị trấn, điều tôi lo lắng nhất vẫn là vượt những cung đường về nhà HS. Dẫu biết rằng công việc huy động HS đến lớp vừa là trách nhiệm vừa là tình thương của người thầy nhưng những cung đường đó vẫn nhọc nhằn, vất vả vô cùng.

Ở đó, có con đường đất đỏ lầy lội mỗi khi trời mưa xuống là bùn ngập nửa gang tay. Vì tay lái yếu nên đôi ba lần trơn trượt khiến cả người và xe lấm lem bùn đất. Rồi cũng phải dắt xe đứng dậy đi tiếp để vận động.

Ở đó có con đường vòng vèo giữa bạt ngàn đồi núi, đá sỏi gập nghềnh. Mấy chiếc cầu bắc ngang khe nước bé tí ti khiến tim tôi đập mạnh, tay run run dắt xe máy và lo thon thót đường quay về.

Ở đó, đáng lo nhất vẫn là con đường vượt đường sắt dân sinh cắt ngang nằm cheo leo trên mô đất cao chót vót. Mỗi lần HS ở trong thôn đó nghỉ học là các cô giáo lại lo cảnh dắt xe qua đường sắt. Phải đợi người dân đi qua dắt hộ, phải dặn HS lớp 9 đứng đợi rồi hai, ba em cùng hùa lại dắt xe giúp cô giáo. Và đâu chỉ một lần qua đó, phải dăm ba lần về nhà thuyết phục, vận động HS.

Nhưng những nhọc nhằn trên con đường duy trì sĩ số đó xem ra chẳng đáng là bao so với áp lực từ nhà trường khi sĩ số lớp sụt giảm. Lời nhắc nhở từ ban giám hiệu về thành tích của nhà trường cần được đảm bảo rồi những cuộc họp với lời chất vấn, nâng lên hạ xuống thi đua cá nhân… mới thật sự khiến GVCN áp lực vô cùng.

Bởi vậy, tôi mong rằng bên cạnh việc giảm áp lực cho thầy cô về sổ sách và thi cử thì ngành Giáo dục cũng cần “cởi trói” một phần nào đó cho người thầy về nhiệm vụ “duy trì sĩ số HS”!

Nguyễn Thùy

(Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!