Cô giáo hiến 1.000m2 đất xây trường

Cô Hồ Thị Trung và điểm trường mầm non Kreng khang trang từ đất cô hiến tặng – Ảnh: QUỐC NAM

Cô giáo đó là Hồ Thị Trung ở bản Gia Giả, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Từ ngôi trường cô Trung hiến đất, những đứa trẻ người Vân Kiều ở vùng rừng núi này đã lớn lên và bước vào đời. Nhiều em khác đang học tại các trường cao đẳng, đại học. Ngôi trường là nơi đặt những viên gạch đầu tiên xây tương lai cho bản làng.

“Từ khi có trường, nhiều trẻ đã học đến cấp III, có em học đến cao đẳng, đại học. Đó chính là những người sẽ thay đổi tương lai của bản. Và tôi thấy vui vì điều đó.

Cô Hồ Thị Trung

Hai lần hiến đất

Nhà vợ chồng cô Trung nằm sát điểm trường mầm non Kreng ở cuối bản Gia Giả. Cô Trung dựng một dãy hàng rào để phân định ranh giới nhà mình với khuôn viên trường. Dãy hàng rào nằm chỉ cách mép nhà khoảng hơn 2m. Phía bên kia hàng rào là ngôi trường mầm non rất khang trang. Ngôi trường này gồm ba khu nhà. Trong đó, khu nhà xa nhất cách hàng rào khoảng 20m có màu ố vàng của thời gian. Hai khu nhà gần hơn vẫn còn màu sơn tươi rói.

Cô Trung nói 10 năm hàng rào phân định giữa nhà và trường đã dịch chuyển mấy lần. Những năm đầu mới mở trường cách đây chục năm có khoảng 30 trẻ theo học. “Ở miền rừng núi này thời điểm đó có một lớp học bêtông vững chãi cho đám trẻ học thôi đã là một niềm mơ ước. Nên gia đình tôi hiến luôn hơn 15m chiều ngang đất của mình khi nghe chủ trương xây trường của chính quyền địa phương” – cô Trung kể.

Ngôi trường mọc lên rất nhanh sau đó. Dù vẫn chật nhưng ai cũng đỡ lo khi mùa mưa gió đến. Sau gần chục năm, số học sinh tại điểm trường này tăng lên gần gấp đôi. Khu nhà một phòng trở nên quá tải với nhu cầu được đi học của trẻ trong bản. Chính quyền địa phương vào cuộc tìm giải pháp. Phương án xây thêm phòng được thông qua. Nhưng quỹ đất ở khu vực này vốn đã rất hạn chế. Muốn xây thêm phòng chỉ có duy nhất một cách là xin thêm đất của cô Trung.

Và cô Trung tiếp tục gật đầu đồng ý. Thêm gần 3m ngang đất được cô cắt qua thêm cho trường để đủ đất xây thêm hai khu nhà. Một phòng học ban đầu được nhân ba lên. Gần 70 trẻ được chia thành ba lớp để học có hiệu quả hơn. Hàng rào nhà cô Trung vì thế phải lùi sát vào vách nhà thêm lần nữa. Tổng hai lần cô Trung đã hiến cho trường gần 1.000m2 đất. Với dân vùng bản này, đó là cả một gia tài.

“Mình hiến đợt đầu hơn 15m rồi thì tiếc chi không hiến thêm vài mét nữa. Cứ trường cần thì mình hiến thôi chớ không kể chi. Miễn là đám trẻ có chỗ học cho tốt là được” – cô Trung bộc bạch.

Xây tương lai cho bản

Cô Trung là giáo viên mầm non ngay tại điểm trường Kreng. Chồng cô là cán bộ xã. Hai vợ chồng có hai đứa con. Khi chúng tôi tìm đến, cô đang ở bản cách nhà hơn chục cây số. Cô nói từ ngày nghỉ hè, cô phải làm thêm việc bán hàng để có tiền trang trải cuộc sống. Cô mua giúp những vật dụng mà dân các bản trong vùng cần. Rồi khi lấy hàng về cô đi giao tận từng nhà để lấy tiền công.

Là cô giáo ở bản gần 20 năm, cô hiểu mong ước của đám trẻ nghèo nơi đây. Cô vẫn nhớ như in những ngày đầu khi mới về điểm trường này dạy. Đó là một ngôi trường tạm bợ, ọp ẹp đến che nắng che mưa cũng còn khó. Cô nghĩ nhiều về tương lai của những đứa trẻ trong bản. Vì cuộc sống khó khăn cả về vật chất lẫn học vấn nên những đứa trẻ lớn lên đa số chỉ bập bõm vài chữ rồi bỏ học đi rẫy. Đứa khá nhất chỉ học lên hết cấp II rồi theo cha mẹ vào rừng.

Việc cô sẵn lòng hiến đất xây trường phần lớn xuất phát từ trăn trở đó. Một ngôi trường khang trang được xây dựng lên là một niềm hi vọng với tương lai của dân bản. Và thực tế đã khiến cô “mát lòng” khi bản làng trong nhiều năm trở lại đây đã tốt hơn. “Cuộc sống của dân bản nay đã khá hơn nhiều. Nhưng vui nhất là những đứa trẻ ở bản đã biết lo việc học hành hơn” – cô Trung nói.

Học sinh có trường lớp khang trang

Bà Nguyễn Thị Hải Lý, phó hiệu trưởng Trường mầm non xã Hướng Hiệp, nói việc hiến đất của cô Trung là sự đóng góp rất lớn trong việc xây dựng thành điểm trường mầm non Kreng như hiện tại.

“Nhờ có sự đóng góp này mà các em học sinh ở bản mới có trường lớp khang trang để học và không còn cảnh chen chúc chật chội như trước”, cô Lý nói.

Bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho rằng những người có suy nghĩ tiến bộ như cô Trung sẽ góp phần thay đổi bộ mặt giáo dục của địa phương, nhất là những vùng đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn như Hướng Hiệp.

Hàng trăm hộ dân tha thiết xin hiến đất mở rộng đườngHàng trăm hộ dân tha thiết xin hiến đất mở rộng đường

TTO – Câu chuyện xuất phát từ ý thức tập thể của người dân ở Quảng Nam, họ đã tự nguyện hiến đất để mở rộng, nâng cấp đường, góp phần trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.