Cầu thủ, hoa hậu nối nhau vào đề thi năm 2018

HLV Park Hang Seo: “Ngôi sao” của đề thi
Phải nói, 2018 là một năm hết sức sôi động của bóng đá Việt Nam với giải U23 châu Á vào đầu năm và giải AFF Cup vào cuối năm, đội tuyển bóng đá nước nhà đã trở thành cảm hứng bất tận cho nhiều giáo viên các bộ môn trong cả nước làm dữ liệu cho đề thi. Không chỉ các nhân vật, lĩnh vực này cũng nối tiếp tinh thần đưa vấn đề thời sự nóng hổi vào đề thi.
Với khả năng thay đổi “vận mệnh” của đá bóng Việt Nam, khả năng truyền cảm hứng với những đức tính khiêm tốn, biết mình biết ta, huấn luyện viên (HLV) người Hàn Quốc Park Hang Seo không chỉ là hình tượng đối với người hâm mộ mà còn với nhiều giáo viên. HLV Park – cùng với các phát biểu, quan điểm sống – đã trở thành “ngôi sao” xuất hiện rất nhiều trong đề thi năm 2018.
Dethi 19.27.45.jpg

Huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang Seo.

Mới nhất, đề Văn học kỳ 1 khối 10, Trường THCS – THPT Đào Duy Anh, TPHCM, đã trích phát biểu của ông Park Hang Seo khi nói về về “đối thủ” là HLV Eriksson của Philippines sau trận thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup ngày 6/12/2018.
Cụ thể, đó là câu phát biểu của ông Park: “Eriksson là một huấn luyện viên đẳng cấp thế giới. Tôi cảm thấy vinh dự khi được đối đầu ông ấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ đẳng cấp của mình chưa thể sánh được với ông ấy, dù thắng cả hai trận”.


Ngoài các yêu cầu ở phần đọc hiểu, phần làm văn của đề thi yêu cầu: Từ phát biểu trong đoạn văn trên của HLV Park Hang Seo , hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ phát biểu suy nghĩ của anh/chị về đức tính khiêm nhường của con người trong xã hội hiện nay.

Trước đó, đề kiểm tra lớp 12 trường THPT Quỳnh Lưu 3, Nghệ An cũng trích phát biểu của ông Park dặn học trò: “Một suất ở bán kết đã thuộc về các bạn. Các bạn xứng đáng. Không may mắn nào lập được kỳ tích đâu. Kỳ tích có được là nhờ máu và mồ hôi” sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Iraq ở tứ kết giải U23 châu Á.
Kèm theo lời nhắn nhủ không được “ngủ quên trên chiến thắng”, cần sự đoàn kết của ông với các cầu thủ U23 Việt Nam sau khi đánh bại Iraq ở tứ kết giải U23 châu Á diễn ra ở Trung Quốc: “Có một điều các bạn không được quên, chúng ta là một đội. Tất cả phải luôn đoàn kết. Và U23 Việt Nam vẫn còn phải chiến đấu tiếp, không được hài lòng với vị trí hiện tại. Các bạn có thể thoải mái chơi game, nô đùa nhưng sau trưa 21/1 phải trở lại trật tự. Tôi không khó khăn gì với các bạn, nhưng chúng ta còn trận đấu quan trong trước mắt”.
Từ đó, đề kiểm tra yêu cầu học sinh chỉ ra phương thức biểu đạt của đoạn văn bản, đồng thời hỏi cách hiểu về kỳ tích, máu, mồ hôi và cảm xúc khi đọc đoạn trích trên.
Một giáo viên Văn trong phần bài tập về nhà cũng ra đề yêu cầu HS phát biểu cảm nghĩ về phát biểu của HLV trưởng U23 Việt Nam Park Hang Seo ở trận chung kết: “Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu?”.
Cầu thủ “càn quét” đề thi
Đề thi học kỳ 1 môn Hóa khối 10, Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM đưa hình ảnh cầu thủ Quang Hải bị chấn thương trong khi thi đấu ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 vào tạo sự mới lạ, hứng thú cho HS.
Dethi5.jpg

dethi.jpg

Cầu thủ Quang Hải bị thương vào đề Hóa

Câu hỏi đưa thông tin: Suốt 90 phút của trận chung kết lượt về AFF Cup 2018, Quang Hải liên tục trở thành mục tiêu “chặt chém” của các cầu thủ Malaysia. Thậm chí tuyển thủ số 10 của Việt Nam phải rời sân ít phút sau pha phạm lỗi ở phút 56. Ngay lập tức đội ngũ y tế xuất hiện và dùng bình xịt tê giảm đau giúp Quang Hải khắc phục cơn đau nhanh chóng và có thể quay lại sân bóng ngay sau đó, cùng đồng đội chiến đấu hết mình đem cúp vàng AFF về cho Tổ quốc.
Từ các dữ liệu về thành phần bình xịt tê giảm đau, nhiệt độ sôi của cacbon đioxit và etyl clorua, đề thi đưa ra hai yêu cầu cho HS chỉ ra liên kết ion hay liên kết cộng hóa trị, giải thích sự hình thành liên kết hóa học trong phân tử cacbonic (CO2) và viết công thức cấu tạo của hợp chất C2H5Cl, HCl.
Dethi3.jpg

Đề Văn hỏi học sinh nghĩ gì về nhà vô địch AFF Cup 2018 gây tranh cãi

Cũng tại Trường THPT Nguyễn Du, đề Văn học kỳ khối 12 cũng đưa hình ảnh về nhà vô địch AFF Cup 2018. Cụ thể, đề yêu cầu: “Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.
Đề thi này gây ra nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng đề sử dụng nguồn dữ liệu không rõ ràng. Cách ra đề ghị luận xã hội rối rắm, lôm côm, không có sự logic, liên kết nào giữa đá bóng giỏi, vô địch bóng đá với “có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc” rồi “sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.
Dethi7.jpg
Dethi6.jpg

“Dáng đứng Văn Thanh” vào đề thi Văn

Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) từng sử dụng hình ảnh “hậu vệ Vũ Văn Thanh với dáng đứng ăn mừng đầy ngạo nghễ” và ảnh “rừng người đổ ra đường ăn mừng sau chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam” vào đề Văn học sinh giỏi năm học 2017-2018 khối 10. Qua đó, yêu cầu HS viết cảm nghĩ về khoảnh khắc này.
Một số giáo viên Toán cũng ra đề thi, kiểm tra mà U23 Việt Nam được sử dụng làm cho đề. Cụ thể như “Tính tốc độ bóng rời chân Quang Hải trong bàn thắng vào lưới U23 Uzbekistan ở trận chung kết?”, “Tính vận tốc quả bóng sau cú sút của Văn Thanh ở trận bán kết gặp U23 Qatar?” hay “Tìm số áo của 3 cầu thủ Văn Hậu, Xuân Mạnh, Đức Huy khi biết số áo của họ tạo thành cấp số cộng tăng dần, tổng số áo là 15 và tổng bình phương là 93?”…
Hoa hậu cũng “làm nóng” đề thi
Bên cạnh cầu thủ, năm nay, một số hoa hậu cũng là nguồn cảm hứng cho các giáo viên khai thác vào đề thi.
Mới nhất là đề thi học sinh giỏi của Phòng GD-ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An đã sử dụng câu trả lời của Hoa hậu H’Hen Niê – đại diện Việt Nam tham dự chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 vừa qua.
dethi2.jpeg

Đề văn về Hoa hậu H’Hen Niê.

Dethi4 19.27.45.jpg

Đề trích dẫn: Cô gái đến từ Đắk Lắk đã đưa Việt Nam lên một bước tiến mới trên bản đồ nhan sắc thế giới khi lần đầu tiên có đại diện lọt tới top 5 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, một trong những cuộc thi nhan sắc uy tín và có chất lượng nhất từ trước đến nay.
Trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, H’Hen Niê phát biểu một thông điệp hết sức ý nghĩa và truyền cảm hứng: “Tôi là một người dân tộc thiểu số, tôi đáng lẽ sẽ lấy chồng lúc 14 tuổi nhưng không, tôi chọn giáo dục. Đứng tại đây, tôi muốn nói tôi làm được và bạn cũng có thể làm được!”.
Từ đó, đề đưa ra một số yêu cầu như: Khi nói, “Tôi chọn giáo dục”, H’Hen Niê đã gửi đến mọi người thông điệp gì? Tại sao lời phát biểu của H’Hen Niê lại có khả năng truyền cảm hứng? Hãy cho biết cảm hứng của em được khơi dậy từ lời phát biểu của H’Hen Niê?
Sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, thông tin thời sự một cách tinh tế và khéo léo, nhất là trong cách đặt câu hỏi đầy tính giáo dục, truyền động lực… đề thi trên được nhiều người đánh giá rất cao.
Trường THPT Cái Nước (Cà Mau) cũng vừa đưa tên Hoa hậu Sắc đẹp toàn cầu 2018 Hoàng Y Nhung vào đề thi học kỳ I môn Tiếng Anh – cô Hoa hậu cũng là cựu HS của trường.
dethi1.jpg

Đề tiếng Anh xuất hiện Hoa hậu Hoàng Y Nhung.

Dethi3 19.27.45.jpg

Đề thi kể về xuất thân, quá trình của Hoa hậu từng có tiếng ở vai trò một ca sĩ, còn là một doanh nhân thành đạt, người đam mê với các hoạt động thiện nguyện… Qua đó, đề yêu cầu yêu cầu điền từ vào chỗ trống, nói về xuất thân và các hoạt động nghệ thuật của Hoa hậu Hoàng Y Nhung.
Nhiều ý kiến đánh giá, việc yêu cầu học sinh nói về xuất thân, hoạt động của một người đẹp là điều lạ lùng, khó hiểu. Nhưng lại có thể chấp nhận đối với môn tiếng Anh, chủ yếu lấy thông tin, dữ liệu để các em chọn đáp án chứ không mang tính bày tỏ quan điểm, cảm xúc.
Việc đưa hình ảnh người nổi tiếng, các vấn đề thời sự nóng vào đều thi là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều năm qua. Không ít người cho rằng, đó là đề thi “ăn theo” trào lưu, không mang nhiều giá trị về học thuật. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận thay vì cách ra đề khô khan, máy móc thì hiện nay đã giáo viên đã biết lồng ghép các vấn đề thời sự, thực tế… để người học bày tỏ quan điểm, suy nghĩ.
Điều quan trọng nhất, theo một giáo viên Văn ở TPHCM là cách chọn lọc nhân vật, sự kiện và cách đặt vấn đề cần mang giá trị giáo dục. Chưa kể, với một đề thi mở, điều không thể thiếu là một đáp án mở, chấp nhận các quan điểm khác ngoài “vùng an toàn” của HS cũng như phải có sự chú ý đối với những HS không yêu thích, không quan tâm đến lĩnh vực, nhân vật giáo viên chọn đưa vào đề.