Cái roi của người thầy

Khi cả lớp đang rèn chữ, cậu bé vẫn cứ loay hoay nói chuyện với bàn trên lẫn bàn dưới và dù cô giáo nhắc nhở nhiều lần, cháu vẫn làm các bạn bên cạnh không tập trung vào bài học. Thế là cô giáo có khẽ một thước kẻ vào tay cháu.

Mẹ cậu bé nghe vậy ngẫm nghĩ hồi lâu và cảm ơn cô giáo đã báo với phụ huynh và nhờ cô uốn nắn tính hiếu động, nghịch ngợm của con. Cô giáo cười bảo: “May quá!”. Cô chia sẻ rằng thật bụng thật dạ muốn rèn các con vào nề nếp nên đôi lúc có nóng tính và đối với một số em quá nghịch, quá lì thì cô thỉnh thoảng cũng có khẽ tay. Nhưng cô vẫn lo nhiều thứ, lo phụ huynh không hiểu lòng cô, không đồng tình với sự nghiêm khắc của cô, và lo nhất là… bị kiện.

Con gái tôi khá ngoan nên chưa bao giờ bị cô giáo khẽ roi, cháu kể các bạn khác cũng từng bị khẽ một roi vào tay. Trong những lần họp phụ huynh đầu năm và giữa năm, cô giáo đã từng chia sẻ về việc mình khẽ roi một số em và ngay lập tức báo với phụ huynh vào buổi chiều lúc đón cháu. Và tôi cũng như nhiều bố mẹ khác vẫn luôn đồng tình với cái roi của cô giáo.

Ngay tại địa phương tôi, hồi đầu năm học, một giáo viên tiểu học đã phải xin lỗi cả học sinh và phụ huynh sau khi bắt trò ngậm bút vì mất trật tự. Nhiều người vội vàng đánh giá, quy chụp cô giáo sử dụng phương pháp sư phạm không có tính giáo dục, mất tính nhân văn. Nhưng dư luận quên mất rằng công tác ổn định nề nếp các lớp tiểu học là cả một nỗ lực lớn của giáo viên.

Tôi là một người mẹ có con vừa vào lớp 1 nên thường mon men theo con trẻ trong những ngày đầu đến lớp. Cách đây hơn nửa tháng, trong khi tôi đang chần chừ bên ngoài cửa lớp, cô giáo chủ nhiệm lớp của con biết tôi cũng là giáo viên nên nhờ tôi trông hộ lớp ít phút vì việc cá nhân. Cô nói nhỏ: “Em vào lớp và sẽ biết các cháu nghịch đến thế nào. Ngày nào chị cũng khô hơi rát cổ…”.

Quả đúng như lời cảnh báo của cô giáo, trong khoảng mười phút giữ lớp, tôi chứng kiến sự hiếu động, nghịch ngợm của mấy cô cậu đang tập tành làm học sinh ấy. Các con quay xuống bàn dưới, nhoài người lên bàn trên, kéo áo, giật bút loạn xạ. Mới nhắc nhở các con giữ trật tự được trong tích tắc lại râm ran nói chuyện, chọc phá nhau không dứt.

Tôi thật sự bối rối với việc ổn định nề nếp của bọn trẻ. Các con đang còn ham chơi hơn ham học, thích chạy nhảy chơi đùa hơn ngồi ngay hàng thẳng lối. Và dùng lời nói để uốn nắn các con vào khuôn khổ lại càng khó hơn. Và dẫu chỉ trải nghiệm trong khoảng mười phút, tôi quả thật khâm phục sự kiên nhẫn và lòng bao dung của giáo viên tiểu học khi gò các em vào “khuôn”.

Trong lớp có khá nhiều học sinh hiếu động, nhiều bạn nữ lại nghịch hơn cả bạn nam. Nếu không uốn rèn trẻ vào nề nếp, chắc chắn rằng cô giáo không thể tập trung dạy học trong khi sĩ số lớp đông, chương trình nặng và vô số áp lực bủa vây.

Trong khi đó, đòi hỏi của phụ huynh phải dạy trò nên người, chỉ thị từ cấp trên phải đạt chỉ tiêu này kia… Quả là “trên đe dưới búa” làm đau lòng thầy!

Bởi vậy, cái roi của cô giáo khẽ vào lòng bàn tay trẻ sẽ làm con biết sợ và dần dà điều chỉnh thái độ, hành vi của mình. Cái roi ấy sẽ không làm bất kỳ đứa trẻ nào phải đớn đau quá mức!

Cái roi ấy đôi khi là ánh mắt nghiêm nghị, lời nói nghiêm khắc và cả tấm gương mẫu mực, sáng trong, nhiệt huyết. Và xin nhớ rằng cái uy của thầy đứng trước trò cũng là cái “roi” hữu hiệu trong giáo dục trẻ. Chỉ tiếc là quyền được giáo dục học sinh của nhà giáo đang dần dần mờ nhạt…

Nguyễn Thùy

(Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!