Bát nháo học hộ, thi hộ – Kỳ 2: Qua mặt dễ dàng

Nguyễn Nam (thứ tư từ trái sang) và sinh viên nhờ thi hộ môn tin học (thứ năm từ trái sang) – Ảnh: VĂN KHOA

“Khách hàng” của Nguyễn Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) là T. – sinh viên năm 3 ngành công nghệ ô tô. Giá thuê được chốt là 400.000 đồng.

Thong dong vào phòng thi hộ

Nam sinh này chia sẻ đã từng thi một lần nhưng không đạt. Bài thi được thực hiện trên máy tính, mỗi người một máy riêng. Đề gồm 200 câu, phần nghe – hiểu gồm 100 câu trong 45 phút. 100 câu còn lại thuộc phần đọc – hiểu, thời gian làm bài 75 phút. Trả lời đúng từ 71 câu trong tổng số 200 câu, thí sinh sẽ đậu.

“Hôm thi sẽ yêu cầu có thẻ sinh viên, bạn gửi ảnh cho mình lo phần thẻ. Hôm bạn đi thi, mình sẽ đi cùng” – T. dặn dò.

Sáng 11-12, chúng tôi theo chân Nguyễn Nam thi hộ, có mặt đúng lịch hẹn đã thấy “khách hàng” đứng chờ. T. dắt Nam vào nhà vệ sinh thay đồng phục của trường, rồi đưa một thẻ sinh viên được chuẩn bị từ trước.

Thẻ có đầy đủ thông tin về họ tên, ngày sinh, ngành học, lớp và khóa học ở mặt trước và chữ ký hiệu trưởng ở mặt sau. Chỉ có điều T. đã dán hình thẻ của Nam chồng lên ngay ngắn trên phần hình của bạn. Để thêm chỉn chu, T. bọc nhựa bên ngoài cho thẻ sinh viên.

Thẻ sinh viên được làm giả theo cách “cây nhà lá vườn” để người thi hộ có thể vào thi tiếng Anh đầu ra tại Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM ngày 11-12 - Ảnh: LÝ SƯƠNG

Thẻ sinh viên được làm giả theo cách “cây nhà lá vườn” để người thi hộ có thể vào thi tiếng Anh đầu ra tại Trường CĐ L. TP.HCM ngày 11-12 – Ảnh: LÝ SƯƠNG

Với chiếc thẻ “cây nhà lá vườn” này, Nam dễ dàng làm thủ tục vào phòng thi E3.01. Thậm chí, giám thị phòng thi chỉ xem qua thẻ sinh viên và yêu cầu thí sinh ngồi đúng chỗ, không yêu cầu Nam tháo bỏ khẩu trang để đối chiếu ảnh và người dự thi. Sau này Nam kể lại suốt thời gian thi từ 10h đến 12h, dù có ba giám thị gác trong phòng và một giám thị hành lang nhưng không ai kiểm tra thêm thẻ sinh viên.

Nhờ vậy, Nam hoàn thành bài thi thành công. T. chờ tại cổng trường và nhận lại thẻ sinh viên. Nam sinh hẹn sau khi nhà trường thông báo kết quả sẽ chuyển khoản cho Nam phần kinh phí như đã thỏa thuận.

Sử dụng cùng thủ thuật trên, Nguyễn Nam lại thi trót lọt một buổi thi khác vào chủ nhật.

18-12. Đây là bài thi tin học đầu ra, “khách hàng” là một sinh viên tên T. đang học khoa động lực tại Trường cao đẳng L. ở TP.HCM. Giá cả thương lượng cho buổi thi từ 15h đến 16h30 là 200.000 đồng kèm theo điều kiện thanh toán sau khi có kết quả.

Nguyễn Nam thi phòng E2.1-01. Tại đây, giám thị chỉ đọc tên và cho sinh viên vào phòng, không kiểm tra, đối chiếu thẻ sinh viên. Ngay cả khi Nam mang khẩu trang vẫn được tự nhiên bước vào phòng mà không cần phải tháo bỏ cho giám thị “coi mặt”.

Phóng viên theo chân một người thi hộ vào phòng thi tiếng Anh chuẩn đầu ra tại Trường CĐ L. ở TP.HCM vào ngày 11-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người thi hộ trót lọt vào phòng thi – Ảnh: DUYÊN PHAN

Đề thi được chia ra làm hai phần Windows – MS Word và Excel, thời gian làm bài 90 phút, đề thi có điểm tối đa 20. Nam khá ngạc nhiên khi trong giờ thi, sinh viên được trao đổi bài một cách tự nhiên. Một số thí sinh từ hàng ghế này cũng có thể bỏ sang hàng ghế khác để nhờ vả, trong khi hai giám thị có vẻ “nhắm mắt làm ngơ”.

Mình thi phải đậu mới dám nhận. Nếu thi không đậu bị bóc phốt đến chết. Thi không đậu còn gì là uy tín tụi mình?
T. (một người nhận thi hộ) nói.

Bốn năm kinh nghiệm thi hộ

“Thi hộ nghiệp dư như mình còn dễ dàng vậy, còn những tay thi hộ chuyên nghiệp sẽ thế nào?”. Nghĩ vậy, chúng tôi đăng bài cần tìm người thi hộ tiếng Anh B1 trên các hội nhóm hỗ trợ học tập và nhanh chóng hẹn được một cặp đôi tên Ng. (nữ) và T. (nam) ra cà phê vào tối 15-12.

Cả hai cùng 21 tuổi và cho biết đang là sinh viên ngành luật và ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tại một trường ĐH ở TP.HCM. Cả hai tự tin cho biết đã từng có kinh nghiệm học, thi hộ tại nhiều trường. Trong đó, Ng. đã nhận học, thi hộ từ năm nhất, còn T. “vô nghề” nửa năm nay. Nguyên tắc của cặp đôi là không học, thi hộ cho sinh viên trường mình vì sợ giảng viên nhận ra.

“Mình đã từng học, thi hộ nhiều trường khác nhau từ khó đến dễ. Một số trường mình từng thi gồm Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… Những trường nghe nói kiểm tra khó khăn hơn tụi mình không dám nhận” – Ng. chia sẻ.

Bát nháo học hộ, thi hộ - Kỳ 2: Qua mặt dễ dàng - Ảnh 2.

Phóng viên nhập vai (trái) hẹn gặp hai sinh viên thihộ tiếng Anh chuyên nghiệp hứa sẽ giúp qua bàithi B1 – Ảnh: VĂN KHOA

Ngoài các “thương vụ” học, thi hộ tiếng Anh, T. và Ng. nhận cả các môn liên quan đến chuyên ngành đang học. Hai bạn có thêm dịch vụ “bao show” các môn trái ngành, sẽ học hộ từ đầu học kỳ cho khách hàng cho đến khi kết thúc môn. Tất nhiên, các bạn đảm bảo sẽ qua môn.

Với yêu cầu thi B1 của chúng tôi, hai bạn ra giá mỗi buổi thi là 1 triệu đồng. Đường đi nước bước như sau: khi đăng ký dự thi B1, chúng tôi sẽ đăng ký bằng thông tin của mình, nhưng nộp hình thẻ 3×4 hay 4×6 bằng hình của T. – người sẽ thi hộ.

Như vậy, giấy báo dự thi sẽ có thông tin của chúng tôi nhưng hình sẽ là của T.. Tiếp đó, chúng tôi cần làm tiếp một thẻ sinh viên giả cũng với thông tin của mình nhưng ảnh của T.. Thế là T. đã có thể đi thi hộ.

T. và Ng. cho biết đó là chiêu thức giúp hai bạn trót lọt thực hiện những thương vụ học, thi hộ tại nhiều trường. Đó là những trường có thủ tục kiểm tra người dự thi không quá nghiêm ngặt. Các trường chỉ đối chiếu thẻ sinh viên hoặc giấy báo dự thi và gương mặt thí sinh. Họ không kiểm tra thông tin ghi trên thẻ hay trên giấy báo hoặc xét thử thẻ thật hay giả.

Nhờ thi hộ bị “tiền mất tật mang”

Nhiều bài viết tố cáo những người nhận học hộ, thi hộ lừa đảo trên các nhóm trên mạng xã hội - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Một bài viết tố cáo những người nhận học hộ, thi hộ lừa đảo trên các nhóm trên mạng xã hội – Ảnh chụp màn hình

Không phải tất cả các vụ thi hộ đều thành công. Không ít trường hợp, người nhận thi hộ dùng chiêu trò để lừa đảo, cuối cùng sinh viên chịu cảnh “tiền mất tật mang”. Như trường hợp của M.P. – sinh viên Trường ĐH Y Thái Bình.

P. cho biết có nhờ một bạn làm hộ bài tiểu luận thi giữa kỳ. Một người tên D.T.K.D. đã nhận làm. Đến khi “trả hàng”, D. lấy một bài với nội dung tương tự để gửi cho P. phần đầu bài làm, yêu cầu P. chuyển khoản đủ phí 500.000 đồng sẽ gửi phần còn lại. Sau khi P. đã chuyển khoản, D. “giở chứng”, nói rằng tài khoản vẫn chưa nhận được tiền.

Lời qua tiếng lại một hồi, D. khóa tài khoản, chặn số điện thoại khiến P. ngỡ ngàng khi chỉ chưa đầy 30 phút nữa là tới giờ nộp tiểu luận.

Vượt cả nghìn cây số để nhờ thi hộ

Trong quá trình tìm người thi hộ tiếng Anh B1, chúng tôi được một người tên H. (Hà Nội) tiếp cận, gợi ý chuyển sang bài thi TOEFL iBT online vì có thể quy đổi giá trị tương đương, lại rất dễ hỗ trợ. Do là bài thi online, H. cho biết giám thị chỉ kiểm tra từ xa phòng và bàn thi của thí sinh thông qua camera máy tính của thí sinh ấy.

Trong lúc kiểm tra, nhóm của H. sẽ ngồi ngoài tầm mắt camera. Khi thủ tục đã xong, nhóm của H. sẽ ở kế bên, làm hộ cho khách hàng từ A đến Z. Ngay cả bài thi nói, H. cho biết cũng có thể viết giấy cho khách hàng đọc.

“Tôi đang ở TP.HCM, vậy là phải ra Hà Nội để gặp nhóm của bạn hỗ trợ thi?”, chúng tôi thắc mắc. H. cho biết nhiều bạn từ miền Trung, miền Nam đã bay ra Hà Nội để nhóm hỗ trợ thi TOEFL iBT online bằng cách thức nói trên. Chẳng hạn mới đây, nhóm đã hỗ trợ cho một khách hàng tên T.X. (27 tuổi) từ Đà Nẵng ra Hà Nội thi. Giá hỗ trợ thi là 5 triệu đồng/kỳ.

(CÒN TIẾP)

Bát nháo học hộ, thi hộ - Kỳ 1: Sôi động "sàn giao dịch" onlineBát nháo học hộ, thi hộ – Kỳ 1: Sôi động ‘sàn giao dịch’ online

‘Gấp gấp, mình cần một bạn thi hộ tại Học viện Chính sách và phát triển’, ‘Cần người thi giúp môn công nghệ giải tích tại Hà Nội trưa nay’, ‘Cần người thi hộ tiếng Anh đầu ra tại TP.HCM’… hàng chục tin rao đăng trên Facebook 1 ngày.