Bài tập về nhà ngày Tết: “Nỗi ám ảnh” của trẻ

Vì các thầy cô thường có tâm lý chung là sợ trẻ về nghỉ Tết lâu ngày “rơi vãi” mất kiến thức nên phải giao cho học sinh một ít bài tập để khỏi quên. Còn bố mẹ thì đương nhiên rất ủng hộ điều đó. Trong nhiều buổi họp phụ huynh cuối kì, tôi còn thấy một số cha mẹ đề nghị cô cứ cho nhiều bài tập vào để bọn trẻ bớt lười.

Cái gọi là “ít bài tập” của thầy cô, thông thường học sinh cũng phải bò lăn bò toài mới làm hết. Nhớ năm ngoái con tôi đang học lớp 5, nghỉ Tết cô phát cho 4 tờ A4 dày đặc chi chít những chữ là chữ ở cả hai mặt giấy, trong đó có tới mấy chục bài toán, mấy chục bài tiếng Việt. Tôi là người trực tiếp dạy con học, thông thạo mọi bài tập của con mà còn phải nhăn mặt kêu trời, làm thế này đến bao giờ mới xong. Và tôi tự cho phép con chỉ làm một nửa trong số đó, ra Tết đi học nếu có bị cô mắng cũng không sao.

Trong thâm tâm tôi thì tin chắc là không có cô nào mắng cả và cũng không có đứa trẻ nào lại kiên nhẫn, chịu khó đến mức ngồi làm hết chừng ấy bài trong không khí ngày Tết náo nức, xôn xao. Vậy mà, nghe con kể vừa đi học cô đã kiểm tra xem học sinh có làm hết không và trong lớp cũng có nhiều bạn làm hết lắm.

Ôi chao, tôi nghe mà thấy thương thay cho những bạn nhỏ siêu chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời ấy. Chắc để làm hết chỗ bài tập đó trẻ phải dính chặt lấy cái bàn học cả mấy ngày giáp Tết và sau Tết. Khung cảnh đất trời, con người ra sao trong những ngày đặc biệt ấy, trẻ không có cơ hội được biết. Đáng buồn nhất là trẻ sẽ chẳng còn chút thời gian nào để cùng bố mẹ chuẩn bị, trang hoàng nhà cửa, vào bếp nấu nướng một món ăn nào đó để cảm nhận không khí gia đình tất bật, hối hả mà ấm cúng, vui tươi.

Bài tập về nhà ngày Tết đúng là nỗi ám ảnh của những đứa trẻ khoác trên mình chiếc áo học sinh. Năm nay con tôi học lớp 6, có thêm nhiều môn học hơn tiểu học, tôi đang hình dung ra không biết mấy ngày nữa nghỉ tết, con sẽ có tổng cộng bao nhiêu bài về nhà tất cả. Môn nào thầy cô cũng lo, cũng sốt ruột vì các con nghỉ nhiều nên chắc chắn là bài tập sẽ chồng bài tập, việc học bị dồn đống lại. Với những học sinh cuối cấp, bài về nhà càng nặng nề hơn gấp bội. Nhiều thầy cô còn có chiêu thức vừa tiết học đầu tiên của năm mới đã mừng tuổi học trò bằng 1 bài kiểm tra để xem nghỉ Tết có chịu học hành gì không.

Thật lòng, tôi nghĩ việc học tuy là quan trọng số 1 với học sinh nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải nhồi nhét, tham lam kiến thức đến thế. Nhất là vào một dịp đặc biệt như ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người lớn say sưa với những dự định vui chơi, tiệc tùng cỗ bàn mà lại bắt trẻ ngồi học với lý do khỏi quên kiến thức thì thật bất công và chắc chắn hiệu quả cũng chẳng được là bao.

Theo tôi, học ra học chơi ra chơi thì tốt hơn, khi vào guồng quay học tập có thể ép trẻ gồng hết sức mình nhưng lúc chơi thì cứ để tâm trí chúng được thoải mái nhất có thể. Đầu óc khi được dọn dẹp thông thoáng sẽ tiếp thu kiến thức mới tốt hơn.

Ngoài ra, tôi cũng luôn trăn trở với câu hỏi tại sao bài về nhà ngày Tết không phải là điều gì đó mới mẻ, sáng tạo hơn mà năm nào cũng thế, thầy cô nào cũng vậy, chỉ đóng khuôn cứng nhắc trong những kiến thức hàn lâm, những bài tập kinh điển có thể tìm thấy bất cứ lúc nào ở sách vở hoặc trên mạng. Trong khi cả năm chỉ có mấy ngày Tết mà Tết là dịp tốt nhất để học sinh học những điều ngoài sách vở. Ví dụ như tìm hiểu về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền, phong tục thờ cúng tổ tiên, lễ tất niên, lễ giao thừa, phong tục thăm hỏi họ hàng, làng xóm, bạn bè, ẩm thực ngày Tết… Bài tập về nhà cũng có thể là lập kế hoạch những ngày nghỉ Tết của em sao cho hữu ích nhất hoặc viết bài thu hoạch về những điều em đã làm được trong dịp Tết vừa qua.

Những kiểu bài tập như thế có thể tùy theo từng lứa tuổi học sinh mà giao nhiệm vụ. Chắc chắn học sinh sẽ thấy hứng thú hơn nhiều việc phải ngồi lỳ một chỗ giải những bài toán,viết những câu văn đơn điệu như ngày thường. Và quan trọng nhất là các em có nhiều thời gian để trải nghiệm, cảm nhận vẻ đẹp đặc biệt của ngày Tết cổ truyền, từ đó nuôi dưỡng tình yêu với quê hương, đất nước, dân tộc mình.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!