Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 20-11, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề cập chuyện dạy thêm.
Ông Huy cho rằng “việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án”.
Và để trả lại sự trong sạch cho môi trường dạy thêm, học thêm, ông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng, khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh, giáo viên.
Dạy thêm bản chất không xấu!
Đứng về số đông những bạn đọc ủng hộ việc xem dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bạn đọc Đặng Hinh viết: “Tôi thì nghĩ không nên cấm các nhà giáo dạy thêm, vì ai cũng có quyền được làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập”.
Theo bạn đọc này thì: “Các em học yếu hay muốn nâng cao kiến thức thì vẫn nên cần có người phụ đạo”.
Củng quan điểm, bạn đọc Minh Tiến viết: “Đây là một đề nghị rất đúng và hợp lý, hợp tình. Cần có một quy định đầy đủ, rõ ràng về việc dạy thêm và học thêm, đáp ứng được quy luật cung cầu của xã hội, hạn chế những mặt tiêu cực”.
Cũng theo bạn đọc Đặng Hinh: “Cách đơn giản nhất là cấm thầy cô không được dạy thêm cho chính học trò của mình (hay của trường mình) thì sẽ công bằng nhất cho những người học và không học”.
Bổ sung cho nhận định này, bạn đọc Nguyễn Trung Chính đưa ý kiến và 3 giải pháp như sau: “Tôi thấy việc dạy thêm ngoài giờ chính khóa là bình thường. Vấn đề ở đây là:
1. Phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh và phụ huynh học sinh.
2. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, nhất là sự khách quan, vô tư, công bằng với học sinh học thêm và không có nhu cầu học thêm.
3. Phải chịu sự quản lý của các cơ quan có liên quan và đặc biệt là các nhà quản lý…
Cần giảm tải áp lực, chương trình học
Ngoài những ý kiến ủng hộ, theo phần đông bạn đọc, vấn đề ở đây không phải là cấm hay không cấm việc dạy thêm, học thêm. Việc cần làm là ngành giáo dục giảm tải áp lực học hành, bớt gây áp lực cho học sinh, cũng là giảm áp lực cho phụ huynh và toàn xã hội.
Về ý này, bạn đọc Vân viết: “Ngày trước có học thêm học thiếc gì đâu, giáo dục vẫn tốt đấy thôi. Bọn nhỏ bây giờ đi học thêm hết 90% là để theo kịp bài trên lớp của thầy cô và theo kịp những bạn đi học thêm. Lý do? Vì trên lớp chất lượng dạy không tốt, phải đi học thêm.
Bố mẹ vất vả đã đành. Nhìn con trẻ quay cuồng theo cái vòng luẩn quẩn chạy đua tới lớp học mà phát sầu. Không còn hồn nhiên vô tư, không được khám phá những cái mới ngoài xã hội”…
Cùng nhìn nhận phải thay đổi để giảm tải, bạn đọc Thiện Lê viết: “Một nền giáo dục khá lạc hậu nhưng đến nay vẫn không thay đổi phương pháp dạy, đó là học đi đôi với hành như Bác Hồ đã dạy”.
Theo bạn đọc này: “Học chương trình nhẹ lại và quan trọng là phát triển thể chất, cho các cháu chơi thể thao và hoạt động ngoại khóa hằng ngày để các cháu được phát triển thể chất và tinh thần thoải mái, sảng khoái.
Còn hiện nay bắt các cháu phải học từ sáng sớm đến tối khuya ngày qua ngày rồi bị stress, trầm cảm và thể chất tiều tụy, tinh thần uể oải, ngán ngẩm…”.
Cũng theo bạn đọc Thiện Lê, không cần đi đâu xa, hãy nhìn các trường quốc tế chất lượng cao tại Hà Nội và TP.HCM mà học hỏi và triển khai. Hãy so sánh những học sinh trường quốc tế đó và những học sinh trường công lập mới thấy được sự khác biệt.
Thăm dò ý kiến
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đại biểu quốc hội đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.