16 trường không được giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023

Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt không được giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 – Ảnh: PHẠM TẤN ĐẠT

Theo công văn do Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Phạm Như Nghệ ký, bộ không giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 cho các trường này do trường trực thuộc các địa phương đã có văn bản thông báo không có nhu cầu đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, một số trường đã sáp nhập với các cơ sở giáo dục và đào tạo khác hoặc chưa đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong số 16 trường này, 11 trường trực thuộc tỉnh thành không có nhu cầu đào tạo giáo viên gồm: Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam.

Có bốn trường cao đẳng đã sáp nhập với cơ sở đào tạo khác gồm: Hà Tây, Hà Giang, Bình Thuận và Hải Dương. Trường còn lại không được giao chỉ tiêu là Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế do chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo.

Danh sách các trường không được giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm 2023:

16 trường không được giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 - Ảnh 2.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xác định số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên của các trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ nhu cầu của các địa phương về nhân lực giáo viên trình độ đại học, cao đẳng chính quy 2023 để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu đào tạo, tuyển sinh.

Các cơ sở đào tạo nêu trên trực thuộc các địa phương đã có văn bản đề nghị không có nhu cầu đào tạo giáo viên, hoặc đã sáp nhập với các cơ sở giáo dục và đào tạo khác hoặc chưa đăng ký chỉ tiêu.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có căn cứ để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm theo quy định.

Ông Phạm Như Nghệ cho biết về bản chất đây không phải là dừng tuyển sinh các trường. Quy định mới liên quan đến đào tạo sư phạm nêu rõ việc tuyển sinh sư phạm, bao gồm hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp do tỉnh thực hiện dựa trên nhu cầu giáo viên thực của tỉnh.

“Năm nay nhiều địa phương đã có công văn xác định không có nhu cầu đào tạo giáo viên nên bộ không giao chỉ tiêu cho các trường thuộc tỉnh.

Tỉnh không có nhu cầu nhưng bộ vẫn giao chỉ tiêu đào tạo, khi đó kinh phí đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau này sẽ không thực hiện được. Khi nào tỉnh có nhu cầu và đề nghị trường sẽ được giao chỉ tiêu tuyển sinh” – ông Nghệ nói thêm.

Tỉnh/thành xác định nhu cầu tuyển sinh sư phạm

Theo nghị định 116/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, hằng năm UBND tỉnh/thành rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31- 1.

Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh.

Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học, đồng thời hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Kinh phí hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành.

Sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường đại học Thủ đô Hà NộiSáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường đại học Thủ đô Hà Nội

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường đại học Thủ đô Hà Nội.