Trường đại học hơn một năm không có hiệu trưởng và hiệu phó, cấp trên nói ‘không ham quyền cố vị’

Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) hơn một năm nay không có hiệu trưởng và hiệu phó – Ảnh: NHẬT LINH

Giám đốc đại học Huế (nguyên hiệu trưởng nhà trường) thì khẳng định “không ham quyền cố vị” theo như đồn đoán tại ngôi trường này.

Ban giám hiệu trường đại học chỉ có một người

Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) là trường đại học đứng đầu về đào tạo và nghiên cứu khối ngành sư phạm tại miền Trung, được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là 1 trong 3 trường sư phạm trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên gần một năm nay, ngôi trường nổi tiếng này chỉ được điều hành bởi một người là PGS.TS Nguyễn Thành Nhân – quyền hiệu trưởng nhà trường. Dưới quyền của thầy Nhân không có bất kỳ một hiệu phó nào giúp việc.

Trước đó vào năm 2022, ban giám hiệu của Trường đại học Sư phạm Huế lúc này gồm có PGS.TS Lê Anh Phương (hiệu trưởng nhà trường), PGS.TS Nguyễn Thành Nhân và PGS.TS Nguyễn Đình Luyện (đều là hiệu phó).

Đến tháng 7-2022, ông Lê Anh Phương được bổ nhiệm làm giám đốc Đại học Huế. Ngoài ra ông Phương còn được cử kiêm nhiệm thêm chức vụ hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế thêm 6 tháng để ổn định bộ máy nhà trường.

Đầu năm 2023, ông Phương trao lại quyền điều hành Trường đại học Sư phạm Huế cho ông Nguyễn Thành Nhân, giữ chức vụ phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Sư phạm Huế, sau đó là quyền hiệu trưởng. Riêng với ông Nguyễn Đình Luyện cũng đã thôi giữ chức vụ phó hiệu trưởng nhà trường.

Hơn một năm nay, ban giám hiệu của Trường đại học Sư phạm Huế chỉ có một mình ông Nguyễn Thành Nhân là quyền hiệu trường, mà không có hiệu trưởng và hiệu phó nào cả.

Việc một mình ông Nhân điều hành ngôi trường với hàng ngàn sinh viên và hơn 350 người lao động đã ảnh hưởng ít nhiều đến công việc ở trường.

Một giảng viên ở Trường đại học Sư phạm Huế nói rằng việc nhà trường khuyết ghế lãnh đạo từ lâu nay đã ảnh hưởng đến việc vận hành bộ máy, đặc biệt là trong công tác chi tiêu hành chính.

Theo giảng viên này, một nguyên nhân được đồn đoán lan truyền trong nhà trường là do ông Lê Anh Phương sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc Đại học Huế vẫn “ham quyền cố vị”, cố gắng kéo dài thời gian bổ nhiệm hiệu trưởng mới để “đưa người của mình lên nắm quyền”.

Giám đốc Đại học Huế: “Tôi không ham quyền cố vị”

PGS.TS Lê Anh Phương (trái) nhận quyết định bổ nhiệm làm giám đốc Đại học Huế năm 2022 - Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

PGS.TS Lê Anh Phương (trái) nhận quyết định bổ nhiệm làm giám đốc Đại học Huế năm 2022 – Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Lê Anh Phương (giám đốc Đại học Huế) nói rằng việc ngôi trường nổi tiếng xứ Huế chỉ có một người điều hành cũng đã ảnh hưởng đến công việc ở đây.

Ông Phương lý giải rằng sau khi giữ chức vụ giám đốc Đại học Huế, ông được giao kiêm nhiệm thêm chức vụ hiệu trưởng nhà trường để ổn định bộ máy, tìm hiệu trưởng mới.

Ban giám đốc Đại học Huế đã thực hiện quy trình xét các tiêu chí 2 trường hợp phó hiệu trưởng lên làm hiệu trưởng là ông Nguyễn Thành Nhân và ông Nguyễn Đình Luyện.

“Trường hợp của thầy Luyện do đã giữ chức vụ phó hiệu trưởng 2 nhiệm kỳ liên tiếp nên không thể tiếp tục giữ chức vụ này. Còn với trường hợp của thầy Nhân là vì lý do cá nhân nên cũng không làm quy trình xét duyệt chức vụ hiệu trưởng nhà trường”, ông Phương nói.

Về thông tin do bản thân “ham quyền cố vị”, cố tình không xét duyệt chức danh hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế vì tư lợi cá nhân, ông Phương khẳng định: “Tôi không ham quyền cố vị làm gì”.

Theo ông Phương, việc ông vẫn kiêm nhiệm hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế thêm 6 tháng là bất đắc dĩ. Sau 6 tháng, ông đã trao quyền điều hành nhà trường cho thầy Nguyễn Thành Nhân và tập trung công việc điều hành Đại học Huế.

Ông cũng khẳng định trong thời gian này chỉ điều hành hoạt động chung của nhà trường và “không muốn làm nhân sự ở trường vì để hiệu trưởng mới tìm cấp phó cho mình”.

“Hiện nay Trường đại học Sư phạm Huế đã có hiệu trưởng và sẽ công bố trong thời gian ngắn tới. Sau khi có hiệu trưởng, nhà trường sẽ tiến hành bầu bổ sung các hiệu phó ngay sau đó”, ông Phương nói.

Học phí Trường đại học Y Dược Huế cao nhất 48,9 triệu đồngHọc phí Trường đại học Y Dược Huế cao nhất 48,9 triệu đồng

GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, hiệu trưởng Trường đại học Y Dược (Đại học Huế), cho biết hội đồng trường vừa công bố mức thu học phí năm 2024-2025 đối với tân sinh viên.