Thầy Trí Hạnh và một tác phẩm vẽ phấn của mình – Ảnh: NVCC
Tác giả của nhiều bức tranh vẽ phấn giàu cảm xúc là thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh, cựu sinh viên ngành hội họa của Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.
Hiện tại, thầy là giáo viên mỹ thuật tại Trường phổ thông Hermann Gmeiner, còn được biết đến là làng trẻ SOS tại thành phố Vinh. Thầy có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc vẽ tranh, điêu khắc, kinh qua nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, màu nước và màu bột…
Từ năm 2021, thầy bắt đầu bén duyên với vẽ bằng phấn. Thầy tâm sự viên phấn là người bạn thân thương với người truyền kiến thức. Ngoài ra, các chất liệu khác thì đã được nhiều người sử dụng nên thầy muốn thử sức chinh phục và sử dụng phấn thuần thục.

Một tác phẩm chân dung bằng phấn do thầy Hạnh thực hiện – Ảnh: NVCC
Thầy chia sẻ, để vẽ phấn, cần phải hiểu cơ bản về hình họa. Tiếp đến, phải biết kỹ thuật dùng phấn. Về màu sắc của phấn ngoài màu gốc từ phấn còn do ánh sáng mà nên, do đó phải hiểu nguyên lý sáng tối thì hiệu ứng màu sắc mới hấp dẫn, thu hút người xem.
Bên cạnh đó, trước khi vẽ cần phải sắp xếp bố cục hình ảnh sao cho đúng, phù hợp với nội dung thể hiện. Cuối cùng, phải chú ý đến chất liệu bảng và phấn.
Đề tài của thầy chủ yếu xoay quanh văn hóa, cuộc sống của người Việt Nam. Trong mỗi tác phẩm thầy luôn cố gắng lồng ghép những nét đẹp truyền thống nhằm lan tỏa giá trị nhân văn đến với giới trẻ và bảo tồn văn hóa.

Bức tranh được thầy Hạnh vẽ phấn trên tấm bảng trường học nhân dịp Tết 2025 – Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Bức vẽ đề tài Giáng sinh – Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Thầy Hạnh chia sẻ sau giờ dạy, cứ đều đặn 17h, thầy sẽ dành thời gian cho đam mê là vẽ bằng phấn. Vừa vẽ thầy vừa dựng máy quay để có thể chia sẻ phương pháp vẽ đến với nhiều người hơn.
Đồng thời, thầy thử lập kênh YouTube và TikTok, lan tỏa thêm các kinh nghiệm vẽ phấn cho những người mong muốn tìm hiểu. Mặc dù, lượt tương tác vẫn còn chưa nhiều, nhưng đó là động lực để thầy phát triển hơn nữa.
Đặc biệt, thầy cùng 4 giáo viên khác cùng lập nên cộng đồng “Góc vẽ bảng – Cart” trên mạng xã hội để chia sẻ kiến thức cũng như tạo sân chơi cho những người cùng đam mê. Các hội nhóm vẽ phấn ở nhiều địa phương khi có sự kiện, thầy cũng thường đến chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Một góc Hà Nội qua bức vẽ của thầy Hạnh – Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Cô Văn Thị Ngọc Nga – giáo viên Trường tiểu học số 2 Mỹ Thành huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định – chia sẻ là một trong 4 quản trị viên “Góc vẽ bảng – Cart” cùng với thầy Hạnh.
Cô Nga chia sẻ ở thầy Hạnh luôn chứa đầy sự nhiệt huyết, thể hiện qua từng bức vẽ cũng như các hoạt động lan tỏa niềm đam mê đến các giáo viên khác của thầy. Thầy luôn sẵn lòng chia sẻ và hướng dẫn cho những giáo viên muốn tìm hiểu về môn nghệ thuật gắn liền với phấn, bảng này.

Bằng tất cả lòng biết ơn, sự kính trọng, bức chân dung Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được vẽ bằng phấn màu của thầy giáo ở Hà Tĩnh đã gây xúc động cho người xem.