Sinh viên ra trường trễ vì bằng tốt nghiệp THPT của nước ngoài

Sinh viên Trường cao đẳng Việt Mỹ (TP.HCM) trong lễ tốt nghiệp năm 2023 – Ảnh: NT

Một số sinh viên Trường cao đẳng Việt Mỹ (TP.HCM) cho biết do lỗi của nhà trường trong việc nhập điểm, thông báo sinh viên phải xác nhận bằng tốt nghiệp THPT nước ngoài trễ nên sinh viên không được xét tốt nghiệp đúng hạn.

Một sinh viên tốt nghiệp THPT ở nước ngoài cho biết khi đăng ký xét tuyển, bộ phận tuyển sinh, đào tạo của trường khẳng định đủ điều kiện nhập học. Việc xác nhận bằng tốt nghiệp THPT do trường thực hiện.

Tuy nhiên tháng 3-2024 trường mới thông báo sinh viên phải tự đi xác nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT. Điều này không đúng với tư vấn ban đầu của trường, gây trễ hạn tốt nghiệp.

Trong khi đó, một sinh viên khác cho hay trường vào sót điểm nên khi xét tốt nghiệp sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Anh Chương – phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Việt Mỹ – cho biết khi nhận hồ sơ, bộ phận tuyển sinh, đào tạo nhận định bằng tốt nghiệp THPT ở nước ngoài tương đương với bằng tốt nghiệp THPT. Có một số sinh viên tốt nghiệp THPT từ Úc, Mỹ, Trung Quốc.

Tuy nhiên theo quy định, bằng tốt nghiệp nước ngoài phải được xác nhận tương đương mới đủ điều kiện. Trường dự kiến làm xác nhận cho sinh viên nhưng quy định đây là việc của cá nhân và trường không thể làm thay.

Trường đã thông báo cho sinh viên nhưng có thể các bạn bị sót email, làm chậm hoặc khâu thông báo của trường trục trặc nên thông tin chưa đến các bạn.

“Với những trường hợp này, các bạn xác nhận văn bằng tương đương và gửi cho trường, trường sẽ thành lập hội đồng xét tốt nghiệp đột xuất” – ông Chương nói.

Trong khi đó, với trường hợp sót điểm, ông Chương cho rằng khó xảy ra. Trong trường hợp có trục trặc kỹ thuật dẫn đến sót điểm, sinh viên báo, trường sẽ kiểm tra bài thi bản cứng và mềm để cập nhật, bổ sung và xét tốt nghiệp cho sinh viên.

Đóng học phí trễ, sinh viên phải nộp phạt 200.000 đồng

Một phụ huynh cho biết ngày 20-5 vừa qua trường khai giảng học kỳ mới. Ngày 23-5, bà lên trường đóng học phí thì được thông báo phải đóng phí điểm danh 200.000 đồng mới nộp được học phí và mở điểm danh. Phụ huynh cho rằng điều này vô lý, không đồng ý đóng phạt.

Về vấn đề này, ông Chương cho biết kể từ dịch COVID-19, trường cho phép sinh viên đóng học phí trễ, thậm chí trước khi thi học kỳ đóng cũng được.

Tuy nhiên điều này đã hình thành thói quen đóng học phí trễ trong sinh viên kéo dài đến ngày nay, gây khó khăn cho trường. Hiện trường có hệ thống điểm danh và quản lý điểm. Sinh viên đóng học phí trễ hệ thống sẽ đóng, không thể điểm danh.

“Trường không tăng học phí trong suốt khóa học. Thực sự trường không muốn thu khoản phí điểm danh 200.000 đồng này. Trường không xem đó là nguồn thu bởi muốn tăng nguồn thu, trường có thể tăng học phí hằng năm như nhiều trường làm.

Thực tế nhiều sinh viên không thực hiện đúng nghĩa vụ học phí gây khó khăn cho trường. Việc thu phí này để tạo thói quen nghiêm túc cho sinh viên. Trường hợp khó khăn, làm đơn xin đóng học phí trễ để trường biết các bạn thực sự nghiêm túc trong việc học, trường chấp nhận cho sinh viên đóng trễ.

Khi sinh viên đã hình thành thói quen nghiêm túc, đóng học phí đúng hạn, trường sẽ bỏ quy định này”, ông Chương nói.

Lễ tốt nghiệp: Sự học tốn kém tới phút cuối cùngLễ tốt nghiệp: Sự học tốn kém tới phút cuối cùng

Những buổi lễ tốt nghiệp đánh dấu các cột mốc quan trọng trong đời mỗi người. Khi rời mỗi cấp học, đi kèm với niềm hân hoan vui sướng của người đi học là nỗi lo của phụ huynh ở nhà, vì cái gì cũng quy thành tiền.