Năm cuối cùng thi theo chương trình cũ, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra thế nào?

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Số thí sinh dự thi tăng so với năm 2023

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là năm cuối cùng thi theo chương trình cũ – chương trình giáo dục phổ thông 2006. Sau năm nay sẽ có lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới.

Ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định kỳ thi năm nay giữ ổn định như năm 2023 và được giao cho địa phương chủ trì tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ra đề thi chung, phối hợp với địa phương giám sát kỳ thi và cung cấp phần mềm, tập huấn để các địa phương tổ chức chấm thi.

“Kỳ thi đảm bảo 3 mục tiêu: xét tốt nghiệp, đánh giá quá trình dạy học ở phổ thông và cung cấp kết quả thi cho các trường đại học, cao đẳng làm cơ sở xét tuyển”, ông Chương cho biết.

Có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi, tăng trên 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023 (94% đăng ký trực tuyến).

Trong đó có gần 47.000 thí sinh tự do, chiếm 4,38%. Với quy định miễn thi ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hợp lệ, năm nay có 66.927 thí sinh được miễn thi (6,26%), tương đương với đạt điểm 10 bài thi ngoại ngữ.

Trong số này Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số thí sinh được miễn thi nhiều nhất (21.554 thí sinh và 13.076 thí sinh).

Cả nước có 2.323 điểm thi (tăng 51 điểm so với năm 2023), với trên 45.000 phòng thi.

Theo ông Chương, Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu các cơ sở giáo dục đại học tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi.

Bộ cũng thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo với tổng số 264 cán bộ chính thức tham gia.

Kỳ thi diễn ra vào ngày 27 và 28-6. Ngày 26-6 thí sinh có mặt tại điểm thi làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi.

Thí sinh là học sinh lớp 12 học chương trình THPT dự thi năm nay bắt buộc phải thi 4 trong số 5 bài thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải thi 3 bài gồm toán, ngữ văn và 1 trong 2 bài thi tổ hợp.

Những thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên, thí sinh tự do đã tốt nghiệp năm trước, dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng có thể lựa chọn thi thêm các môn phù hợp. Tuy nhiên, thí sinh không được đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp.

Lo diễn biến thời tiết bất thường

Từ kết quả trực tiếp kiểm tra chuẩn bị thi tại một số địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết ban chỉ đạo thi các địa phương đã có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là việc có phương án hỗ trợ thí sinh ở vùng khó khăn, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trong việc phụ đạo ôn tập, lo chỗ ăn nghỉ trong thời gian thi.

Tuy nhiên ông Huỳnh Văn Chương cũng lo ngại diễn biến thời tiết khí hậu hiện nay có những biến động khó lường, có thể xảy ra đợt nắng nóng cao độ, hoặc mưa lớn.

Đây là vấn đề các địa phương cần có phương án cụ thể để sẵn sàng ứng phó, đảm bảo cho thí sinh đến điểm thi an toàn.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an, trao đổi tại hội nghị - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an, trao đổi tại hội nghị – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Việc phòng chống gian lận thi cử đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý.

Quy chế thi năm nay cũng nêu rõ hơn về những đồ dùng thí sinh được và không được mang vào phòng thi và nhấn mạnh đến việc đề thi là bí mật quốc gia để cán bộ tham gia kỳ thi và thí sinh có ý thức cao hơn trong việc tránh vô tình hay cố ý phát tán đề thi.

Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phải thực hiện đúng quy trình chặt chẽ, với sự kiểm soát gồm cả con người và thiết bị giám sát.

Tại hội nghị, thiếu tướng Lê Minh Mạnh, phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an, thông tin: Một trong những vướng mắc tại các địa phương cơ quan an ninh tham gia kiểm tra cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo là cách hiểu về quy định nơi bảo quản đồ dùng, tư trang của thí sinh còn chưa rõ. Một số nơi còn có khu để xe, nhà dân gần khu vực thi…

Ông Mạnh cho biết lực lượng an ninh tham gia kỳ thi tại các địa phương đã tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia kỳ thi trong việc phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao và khuyến cáo với các đơn vị trong việc linh hoạt áp dụng quy định về nơi để đồ dùng của thí sinh với khoảng cách tối thiểu 25 mét hoặc hơn 25 mét.

Tuy nhiên ông Mạnh cho rằng công tác tuyên truyền sớm với thí sinh là cần thiết để thí sinh biết những gì được và không được mang vào phòng thi, hạn chế mang đồ dùng, tư trang đến điểm thi. Các địa phương còn chưa đảm bảo an toàn ở các khu vực thi, có thể tạo kẽ hở cho gian lận đã được yêu cầu khắc phục.

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Chuẩn bị phương án khi thời tiết bất thườngThi tốt nghiệp THPT 2024: Chuẩn bị phương án khi thời tiết bất thường

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Hậu Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý đề phòng việc sử dụng công nghệ cao để gian lận thi, đồng thời chuẩn bị phương án khi thời tiết bất thường.