Lớp học đêm giữa núi rừng Tây Bắc

Thầy Giàng Seo Dơ tận tình giải đề, chữa lỗi cho học sinh – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bên trong những phòng học này là hàng trăm học sinh con em người dân tộc Mông, Nùng, Thu Lao, La Chí… đang tất bật ôn thi tốt nghiệp THPT chặng nước rút.

Quyết tâm của học trò vùng cao

Sau ca ôn thi buổi chiều trên lớp, hơn 120 bạn học sinh cuối cấp của Trường THPT số 2 huyện Si Ma Cai nhanh chân người về khu nội trú; người về nhà để vệ sinh cá nhân, ăn cơm chuẩn bị lên lớp tự học buổi tối. Từ khoảng giữa học kỳ I, lớp học này của trường đã luôn sáng đèn khi mặt trời vừa xuống núi.

Ba phòng học trên tầng 2 của dãy nhà ba tầng sáng đèn. Trong lớp học, có bạn ngồi yên tĩnh tự giải đề, cũng có 2 – 3 bạn ngồi xúm lại với nhau cùng thảo luận, giúp đỡ nhau ôn luyện.

Không khí trong lớp tập trung cao độ hơn bao giờ hết. Chỉ còn vài ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra, qua ô cửa sổ là những ánh mắt tràn đầy sự quyết tâm với hy vọng chạm vào ước mơ phía trước.

Phía cuối lớp là chiếc bảng đếm ngược được học sinh cập nhật số từng ngày: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chỉ còn 3 ngày nữa sẽ diễn ra. Những ngày nước rút cuối cùng, ai chăm chỉ, kiên trì, nỗ lực hơn là người chiến thắng”.

Say sưa giảng bài, quan sát, đến từng chỗ ngồi để hỗ trợ học sinh giải đề lịch sử giữa đêm, thầy Giàng Seo Dơ, giáo viên Trường THPT số 2 huyện Si Ma Cai, cho biết lịch học bổ trợ buổi tối đã quá quen thuộc với học sinh nơi đây. Bởi ngay sau khi có kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ giữa kỳ I, nhà trường đã phát động phong trào “thầy giúp trò”, tổ chức ôn luyện miễn phí buổi tối cho học sinh khối 12.

Thời gian ôn tập bổ trợ từ 19h30 đến khoảng 22h hằng đêm từ thứ hai đến thứ sáu. Mỗi buổi sẽ có một giáo viên thuộc bộ môn nằm trong kỳ thi tốt nghiệp đến bổ trợ kiến thức cho học sinh. Ba lớp học được chia theo cấp độ năng lực của học sinh để các thầy cô có thể bổ trợ sát sao nhất.

Là một người con của Si Ma Cai, thầy Dơ lại càng đồng cảm và thấu hiểu hoàn cảnh cũng như nghị lực học tập của các em học sinh tại Sín Chéng.

“Từ đầu học kỳ 2, các em học sinh ngoài bán trú cũng hăng hái vào trường học đêm. Đặc biệt, khi năm học kết thúc, nhiều em đã xin vào bán trú ở luôn để tiện ôn luyện vì nhà xa, đường tới trường nguy hiểm, nhất là ban đêm. Nhìn các em thực sự có nhu cầu học, chúng tôi cảm thấy đây chính là động lực để cố gắng đồng hành cùng các em mỗi ngày” – thầy Dơ nói.

Vừa buông bát buông đũa, em Lù Thị Xó, người dân tộc Mông, đã chuẩn bị sách vở để tranh thủ lên lớp giải thêm đề. Ước mơ của cô gái nhỏ này là trở thành cô giáo. Những ngày qua Xó cùng các bạn không chỉ được hỗ trợ học đêm miễn phí, ôn tập ban ngày, mà còn được các thầy cô chăm lo từ miếng ăn giấc ngủ.

Khi học đến khoảng 22h đêm, chiếc bụng vừa ăn cơm tối đã sôi ùng ục lại nhanh chóng được thầy cô lấp đầy bằng những tô cháo nóng đầy ắp tình yêu thương. Hôm thì cháo gà, có hôm mì tôm trứng.

“Em cảm thấy rất hạnh phúc, bởi thầy cô đã luôn cố gắng tận tình hỗ trợ chúng em trong từng tiết học. Thầy cô cũng chính là tấm gương, là nguồn động lực để em yêu nghề giáo, tiếp sức cho em theo đuổi đam mê.

Hiện tại ở quê em giáo viên đang thiếu rất nhiều. Em muốn học sư phạm để sau này có thể trở về quê hương công tác, giúp đỡ nhiều em nhỏ được tiếp cận giáo dục, thay đổi cuộc sống vô vàn khó khăn nơi đây” – Xó bộc bạch.

Lớp học đêm cũng là nơi các học sinh hỗ trợ nhau khi cần - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Lớp học đêm cũng là nơi các học sinh hỗ trợ nhau khi cần – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Vượt đèo, leo dốc hỗ trợ học sinh

Trường THPT số 2 huyện Si Ma Cai có 21 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trừ ba cán bộ quản lý và ba nhân viên, nhà trường chỉ có 15 giáo viên đứng lớp giảng dạy. Trong đó, môn tiếng Anh không có giáo viên đứng lớp; các môn toán, vật lý, tin học, thể dục đều thiếu giáo viên.

Khuyết giáo viên tiếng Anh, cô Đinh Khánh Diệp, giáo viên bộ môn tiếng Anh Trường phổ thông dân tộc nội trú Si Ma Cai, đã được điều động đến ôn thi tốt nghiệp cho học sinh Trường THPT số 2 huyện Si Ma Cai từ tháng 3-2024. Mỗi tuần cô Diệp lại đến hỗ trợ trường một ngày, dạy cả ba lớp khối 12 với khoảng 121 học sinh.

Cô Diệp trải lòng huyện Si Ma Cai là huyện xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai, đồng thời lương giáo viên thấp nên nhiều thầy cô không mấy mặn mà gắn bó lâu dài với nơi đây. Từ khó khăn này, giáo viên các trường thay nhau thực hiện chương trình “trường hỗ trợ trường”.

Với cô Diệp, việc hỗ trợ học sinh học tiếng Anh có học lực trung bình và yếu ôn thi tốt nghiệp đã quá quen thuộc bởi đây là môn học khó, đa số các em ở Si Ma Cai đều rất yếu môn học này. Khi cô Diệp tiếp nhận công việc, lịch ôn tập tiếng Anh của các em đã bị gián đoạn, bỏ trống từ cuối tháng 11 cho đến gần giữa tháng 3.

Trong quá trình đồng hành cùng học sinh, thấy nhiều em học sinh bị mất căn bản, gần như buông xuôi môn tiếng Anh, cô Diệp và các giáo viên trong trường đã cố gắng động viên các em không bỏ cuộc vì còn nhiều thời gian để cố gắng, tập trung ôn luyện bắt đầu từ những câu dễ đạt điểm.

Nhớ lại 10 năm trước khi tới Si Ma Cai nhận nhiệm vụ, cô Diệp cho biết: “Khi đó Si Ma Cai rất nghèo, khó khăn, nhu cầu học rất ít, khó tuyển sinh, đặc biệt là Trường THPT số 2 Si Ma Cai. Khoảng thời gian này trước đây không phải là các thầy cô đang đi dạy mà là đi đến tận nhà mời gọi học sinh đến lớp. Tôi rất vui vì giáo dục nơi đây đã có nhiều thay đổi”.

Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT số 1 Lào Cai, vượt hơn 100 cây số từ TP Lào Cai lên xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai) để “tiếp lửa” cho học sinh trong đợt ôn luyện nước rút.

Cô Trang ngạc nhiên khi vừa tới nơi các em học sinh đã ngồi ngay ngắn trong lớp học với khuôn mặt đầy hứng khởi để chào đón cô giáo mới về tiếp sức chặng cuối. Không ngại ngùng, các em luôn cố gắng trao đổi, bày tỏ những băn khoăn thắc mắc về các kiến thức với giáo viên, thậm chí tối muộn các bạn vẫn nhắn tin nhờ cô xem bài và chữa đề.

“Ở trong khu bán trú ba ngày cùng các em, tôi thấy rõ được tâm huyết các em dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT lớn nhường nào. Ngoài lên lớp buổi sáng và chiều thì buổi tối khi vừa buông bát cơm xuống các em đã nhanh chóng tự giác di chuyển lên lớp ngồi học bài tập trung đến tận 22h đêm. Tôi tin rằng chắc chắn các em sẽ vượt qua kỳ thi quan trọng này tốt đẹp” – cô Trang nói.

Vượt hàng trăm cây số về với học sinh

Thầy Hoàng Đình Hoạt, phó hiệu trưởng Trường THPT số 2 huyện Si Ma Cai, cho biết năm học vừa qua, ngoài việc nhà trường được cử một giáo viên biệt phái môn vật lý thì các môn tiếng Anh, văn, toán đều thiếu giáo viên. Do đó, sở đã điều động mỗi tuần 1 – 2 thầy cô các trường khác đến hỗ trợ giảng dạy chương trình chính khóa.

Thầy Hoạt khẳng định các giáo viên đến với trường đều mang trong mình tâm niệm giúp đỡ học sinh, vì quý mến học sinh vùng cao nên mới vượt hàng trăm cây số về với học sinh.

Nhiều mô hình khắc phục khó khăn

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Lào Cai có 1 hội đồng thi, 26 điểm thi. Trong đó, Bắc Hà 3 điểm thi, Bảo Thắng 3, Bảo Yên 3, Mường Khương 3, Lào Cai 5, Sa Pa 2, Si Ma Cai 2, Văn Bàn 3. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 8.385 thí sinh.

Công tác tổ chức ôn tập cho học sinh ở một số trường vùng cao và một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên còn khó khăn, Sở GD-ĐT Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục, trong đó có giải pháp “trường giúp trường”, “thầy giúp thầy”, “trò giúp trò” linh hoạt, phù hợp, hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sĩ tử vùng cao ôn thi tốt nghiệp THPT từ sáng tới đêmSĩ tử vùng cao ôn thi tốt nghiệp THPT từ sáng tới đêm

Chỉ còn 4 ngày nữa sẽ chính thức diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tại Lào Cai sáng đèn từ sáng đến đêm để phục vụ các sĩ tử ôn thi giai đoạn nước rút.