Kỳ thi vào lớp 10: Kỳ vọng và áp lực

Thí sinh thi vào lớp 10 nghe phổ biến quy chế thi tại một điểm thi ở Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Khi trường đại học có nhiều “cửa” để lựa chọn thì việc giành một suất vào lớp 10 trường công lập lại chỉ trông chờ vào một kỳ thi.

Với trên 77.000 chỉ tiêu, TP.HCM có trên 78% số học sinh dự tuyển có chỗ học ở trường công lập. Nhưng ở Hà Nội, tỉ lệ này chỉ đạt 61%. Ở một số khu vực tuyển sinh có dân số gia tăng, trường công lập ít, tỉ lệ học sinh có thể được vào học lớp 10 công lập tụt xuống dưới 60%.

Về lý thuyết, học sinh trượt kỳ thi vào lớp 10 công lập có thể học trường tư, học trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề.

Nhưng những “ngã rẽ” này đều đang dẫn những đứa trẻ tuổi 15 – 16 vào con đường không hề bằng phẳng do chất lượng nhiều trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên không đảm bảo; việc dạy nghề với những đứa trẻ 15 – 16 chưa thực sự hấp dẫn và khiến phụ huynh yên tâm. Những trường tư có uy tín thì mức học phí cao, không có chỗ cho con nhà nghèo.

Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, thi để vào trường công trở thành lựa chọn gần như duy nhất để hàng chục, trăm ngàn học sinh nhìn thấy một “tương lai” rộng mở hơn.

Ngay trước kỳ thi ở Hà Nội, trong các nhóm phụ huynh, nhiều người chia sẻ bọn trẻ ôn thi bị trào ngược dạ dày hàng loạt do quá căng thẳng, hay stress làm một số học sinh bị nôn, rối loạn tiêu hóa, ngất xỉu trong giờ ôn tập…

Nhưng không vì vấn đề sức khỏe của bọn trẻ mà phụ huynh có thể giảm kỳ vọng. Để đỗ trường công khó một lần thì để đỗ vào trường công tốp đầu, trường công có uy tín còn khó gấp 10 lần. Chỉ có cách duy nhất là học, học và học.

Có những học sinh đã phải “tăng ca” gấp 2 – 3 lần ở thời điểm sát nút kỳ thi. Để tận dụng tối đa thời gian, có giáo viên mở lớp từ 6h sáng để kịp cho học sinh đến trường tiếp tục lớp ôn ở trường vào 7h30.

Cũng có nhiều học sinh kết thúc lớp ôn thi vào 11h đêm rồi tiếp tục học online và tự học đến 1h – 2h sáng.

Thiếu chỗ học trường công chỉ là một lý do làm tăng áp lực cho học sinh ở kỳ thi đặc biệt này. Còn có một lý do khác là kỳ vọng, là ứng xử của cha mẹ vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp gây sức ép khiến cho những đứa trẻ rơi vào sự căng thẳng.

Trong buổi thi toán của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM sáng 7-6, có học sinh đã òa khóc khi ra khỏi phòng thi vì đề khó, không làm được bài. Những giọt nước mắt tương tự như thế có thể thấy nhiều ở các điểm thi của Hà Nội trong các mùa thi gần đây.

Phải nói rằng, không có kỳ thi nào ở nước ta lấy đi nhiều nước mắt học trò như kỳ thi cam go vào lớp 10. Có những vòng tay ôm, có sự vỗ về nhưng cũng có những lời trách móc, ánh mắt thất vọng của cha mẹ.

Mạng xã hội là “nhân chứng” cho sự thiếu kiểm soát trong sự vui mừng của một bộ phận cha mẹ khi vội vã khoe kết quả thi tốt của con ngay từ buổi thi đầu tiên và tình cờ trở thành căn cớ gia tăng nỗi buồn và bực của những cha mẹ khác khi con làm bài thi kém hơn, cơ hội đỗ ít hơn.

Bài học đồng hành cùng con khi thất bại không phải cha mẹ nào cũng hiểu và thực hành nên đã khiến nhiều đứa trẻ đơn độc trong cả hành trình nỗ lực thi và hành trình đứng dậy với cú sốc “thi trượt”.

Có lẽ mỗi chúng ta, những người trưởng thành, cũng nên có “kỳ thi” của riêng mình, những kỳ thi để hạ bớt kỳ vọng, để nhẫn nại và thương yêu đúng cách, biến áp lực thành động lực cho con và cuối cùng là trở thành điểm tựa tinh thần khi con gặp trắc trở, thất bại.

Sáng nay 106.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 môn vănSáng nay 106.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 môn văn

Sáng nay 8-6, gần 106.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 với môn thi đầu tiên là ngữ văn trong tiết trời dịu mát.