Có gì ở ‘lò đào tạo nhân viên hàng không’ Skyteam?

Nhiều học viên tố với Tuổi Trẻ về đào tạo bát nháo ở một học viện đào tạo nhân lực hàng không

Học từ 3 đến 6 tháng, 95% đi thi là đỗ, có tay trong trong hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam… Những lời tư vấn như “rót mật vào tai” này khiến nhiều nam thanh nữ tú gom số tiền lớn nộp cho Skyteam để theo học các nghề liên quan tới hàng không.

Nhận được phản ánh nghi bị lừa đảo của học viên đang theo học tại Trung tâm đào tạo học viện nhân lực Skyteam (đóng trên địa bàn xã Nam Đồng, huyện Đông Anh, Hà Nội), phóng viên Tuổi Trẻ đã nhanh chóng vào cuộc xác minh.

Sau hơn một tháng gặp gỡ các học viên đã và đang học tại đây, nhiều thông tin bất ngờ dần được hé lộ.

Đóng 75 triệu nhưng phải “bỏ học sớm để bớt đau khổ”

Có hơn 50 học viên đang ở trong ký túc xá của Skyteam, cách trụ sở chính khoảng 2km. Đa phần học viên đều đang theo học khóa huấn luyện tiếp viên mặt đất, tiếp viên hàng không.

Khi phóng viên tiếp cận với nhóm bốn bạn học viên tại ký túc xá, các học viên này cho biết đều đang học tiếp viên hàng không khóa 9 của trung tâm, học từ tháng 9-2023 đến nay. Tuy nhiên, hiện tại cả bốn học viên này vẫn chưa một lần được đi thi tuyển vì “kẹt” tiếng Anh.

Trong bốn học viên, có người vừa học hết năm nhất đại học thì bỏ để chạy theo giấc mơ Skyteam đã vẽ ra; có người vừa học xong cấp III, được người thân môi giới dẫn vào Skyteam; có người từ Tây Nguyên bay ra Hà Nội học.

Học viên Đ.D. (quê Nam Định) cười buồn nói: “Chúng tôi ban đầu cũng vì câu nói “cam kết đào tạo đến khi đỗ” mới đăng ký vào đây học, nhưng tất cả chỉ là một bức tranh màu hồng do trung tâm vẽ ra. Từ khóa 9 đến khóa 13, tôi chỉ thấy có duy nhất một anh đỗ tiếp viên hàng không”.

Sau gần 6 tháng theo học khóa huấn luyện tiếp viên hàng không, một học viên cho biết dù biết trung tâm có dấu hiệu lừa đảo thế nhưng không dám tố cáo mà âm thầm chịu đựng. “Vì chính anh họ là người dẫn vào đây học, anh họ cũng đang làm ở phòng tuyển sinh của trung tâm này”, học viên tiết lộ.

Học viên trong một khóa đào tạo của Skyteam - Ảnh trên website của Skyteam

Học viên trong một khóa đào tạo của Skyteam – Ảnh trên website của Skyteam

Tương tự, N.Đ.D. (sinh năm 2000, quê Tuyên Quang) theo học khóa huấn luyện tiếp viên hàng không quốc tế với học phí 75 triệu đồng tại Skyteam từ tháng 10-2023, thế nhưng đến tháng 2-2024 học viên này quyết tâm “bỏ học sớm để bớt đau khổ”. D. đi làm bưng bê cho một quán bar ở Hà Nội, kiếm tiền trả khoản nợ đã vay để đóng học phí cho trung tâm trước đó.

“Trước khi đăng ký học, tôi từng thẳng thắn chia sẻ với nhân viên tư vấn rằng tôi mất gốc tiếng Anh hoàn toàn, thế nhưng tôi vẫn được khuyên nên học tiếp viên quốc tế. Cô tư vấn nói: Ối dào! Không biết gì càng dễ đào tạo, chăm chỉ từ 4 đến 6 tháng là có chứng chỉ tiếng Anh. Dáng người cao ráo, đẹp trai thế này không học thì phí, nghe vậy có ai không ham?

Khi vào học, tôi lại được xếp lớp cùng với những học viên không cùng trình độ nên không thể theo kịp. Khi kiểm tra không đạt thì lại bị phạt từ 50.000 đồng.

Với kiểu đào tạo này học 3 – 4 khóa chưa chắc tôi đã thi được tiếng Anh, chưa nói đến việc có thi đỗ tiếp viên hàng không hay không. Vì quá mệt mỏi, thấy không có hy vọng gì nên tôi xin nghỉ”, D. bức xúc nói.

Tương tự, V.H. (quê Tuyên Quang), học viên theo học khóa huấn luyện lái xe – vận hành trang thiết bị sân bay, cho biết được bà Đinh Thị Dung – giám đốc trung tâm Skyteam – trực tiếp tư vấn “hầu hết các bạn đã đỗ và đi làm rồi” nên H. tin và ký hợp đồng đào tạo.

Sau gần 3 tháng theo học, H. lắc đầu ngao ngán bởi học khóa huấn luyện lái xe vận hành trong sân bay mà chỉ được học tiếng Anh, chưa có buổi nào học kiến thức về lái xe cũng không biết hình dáng chiếc xe ra sao.

“Tôi từng đăng ký thi vào Hãng VietJet và trượt. Khi vào phỏng vấn, bên tuyển dụng hãng bay cũng không hỏi một câu tiếng Anh nào. Thấy có điều bất thường, tôi có nhắn tin hỏi thì chị Dung giám đốc nói cứ yên tâm học đi rồi sẽ có đợt thi tuyển mới.

Tiền học phí 38 triệu đồng đã nộp đủ, bỏ thì tiếc, ở lại học thì cũng chỉ ngốn thời gian và công sức mà cơ hội rất mong manh”, H. nói.

Quảng cáo đào tạo tiếp viên hàng không trên website - Ảnh chụp màn hình

Quảng cáo đào tạo tiếp viên hàng không trên website – Ảnh chụp màn hình

“Có tay trong, học chỉ để hợp thức hóa”?

Tại trụ sở chính của Skyteam, trong vai phụ huynh vào nghe tư vấn cho con gái học tiếp viên hàng không, chúng tôi được trợ lý giám đốc kiêm tư vấn Lê Văn Toàn tiếp đón nhiệt tình, trước hết mời xem hồ sơ năng lực của công ty.

Toàn giới thiệu một loạt 21 khóa học của trung tâm, gồm khóa nghiệp vụ/kỹ năng tiếp viên hàng không, phi công lái máy bay, khối tiếp viên mặt đất, khối dịch vụ khách hàng, an ninh hàng không, kỹ thuật hàng không…

“Bên em đào tạo nhiều khóa lắm. Tuyển sinh liên tục. Em nhà mình học tiếp viên, chiều cao bao nhiêu, nếu biết ngoại ngữ rồi thì nhanh đậu lắm. Thông thường các bạn học cả tiếng Anh và kỹ năng cũng không có bạn nào học đến 5 tháng cả. Bên em 95% là đậu, các khóa trước đậu nhiều lắm, bây giờ là khóa 13 rồi”, Toàn khoe.

Tại điểm tư vấn tuyển sinh của Skyteam ở TP.HCM, một phụ nữ tên N. xưng là giám đốc chi nhánh cũng đã trực tiếp tư vấn cho chúng tôi trong vai phụ huynh. Bà N. cam kết sau khóa đào tạo 6 tháng của trung tâm sẽ “bao” đậu vào làm tiếp viên của các hãng hàng không lớn tại Việt Nam.

Đặc biệt, để phụ huynh tin tưởng, bà N. tiết lộ: “Bên mình có nội bộ của Vietnam Airlines và VietJet, qua vòng phỏng vấn là vô làm thôi. Các thầy cô mở trường ra phải đảm bảo đầu ra, thứ hai họ có tay trong liên kết hết rồi, bây giờ làm sao để hợp thức hóa vào làm thôi, hợp thức hóa bằng cách có đào tạo.

Thầy cô dạy mình đều là những người ban giám khảo, danh sách học sinh họ có, họ biết. Còn những người không theo học sẽ không biết được thầy cô sẽ hỏi những gì”.

Theo lời tư vấn, học viên tại TP.HCM sau khi ký hợp đồng sẽ được đào tạo tại trung tâm nằm trên đường Thăng Long (quận Tân Bình).

Trụ sở chính của Skyteam ở xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trụ sở chính của Skyteam ở xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Có nhiều bất thường

Theo thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Học viện nhân lực Skyteam do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lần đầu ngày 6-6-2023. Địa chỉ tại số 26 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Vốn điều lệ 9 tỉ đồng.

Người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Đinh Thị Dung, sinh ngày 2-1-1995, giám đốc công ty. Tên địa điểm đăng ký kinh doanh là Trung tâm đào tạo học viện nhân lực Skyteam, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số nhà 25, đường 23B, thôn Đìa, xã Nam Hồng, Hà Nội.

Tên ngành, nghề kinh doanh Skyteam đăng ký chi tiết gồm: giáo dục không xác định theo cấp độ tại các trung tâm đào tạo bồi dưỡng; các khóa dạy về phê bình, đánh giá chuyên môn; dạy ngoại ngữ và dạy kỹ năng đàm thoại; dạy đọc nhanh; dạy lái xe cho những người không hành nghề lái xe; dạy bay; đào tạo tự vệ; đào tạo về sự sống; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng; dạy máy tính.

Thực tế, thông báo tuyển sinh năm 2024 của Skyteam lại tuyển sinh 21 khóa học nghiệp vụ/kỹ năng liên quan đến ngành hàng không, từ nhân viên xếp hành lý cho đến nhân viên an ninh hàng không, tiếp viên hàng không, phi công… Đào tạo từ 3 – 6 tháng.

Sau tư vấn, nếu học viên đồng ý theo học sẽ được ký kết một bản hợp đồng huấn luyện bao gồm nội dung huấn luyện, lệ phí huấn luyện, cam kết trách nhiệm giữa hai bên.

Điểm chung của tất cả các hợp đồng huấn luyện đều có một điều khoản cam kết chung “cam kết đào tạo và đồng hành đến khi học viên thi đỗ vào một trong các sân bay, hãng hàng không”. Trường hợp học viên thi chưa đạt sẽ tiếp tục được ôn luyện hoàn toàn miễn phí.

Đặc biệt, dù đăng ký khóa huấn luyện bốc xếp hay tiếp viên hàng không thì 18 nội dung đào tạo được nêu trong hợp đồng đều giống nhau. Ngoài ra, hợp đồng ghi “từng vị trí đào tạo sẽ áp dụng chương trình riêng”, nhưng chương trình riêng là gì không ghi cụ thể. Khi được hỏi, nhân viên tư vấn chỉ trả lời chung chung “học kỹ năng hàng không”.

Ngoài ra, trong đăng ký kinh doanh Skyteam có tên “Công ty cổ phần Học viện nhân lực Skyteam”. Tuy nhiên, tên trụ sở chính lại đề “Trung tâm đào tạo học viện nhân lực Skyteam” và trên web lại đề “Học viện hàng không Skyteam Academy”.

Thông báo tuyển sinh năm 2024 của Skyteam

Thông báo tuyển sinh năm 2024 của Skyteam

Điều bất thường nữa, trên website Skyteamacademy.edu, trang chủ của công ty giới thiệu khóa học gồm đào tạo tiếp viên hàng không và các khóa tiếng Anh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài tuyển sinh online, Skyteam đã trực tiếp về các tỉnh tổ chức tư vấn tuyển sinh với trường học, trung tâm việc làm và Đoàn thanh niên, đặc biệt ưu tiên quân nhân xuất ngũ.

Skyteam còn quảng cáo trên website các khóa đào tạo và chạy quảng cáo bản tin tuyển sinh trên các nền tảng mạng xã hội, chỉ cần chạm tay sẽ có người gọi điện tư vấn khóa học. Tổng cộng, công ty này có khoảng 50 văn phòng tuyển sinh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, kèm số hotline sẵn sàng tư vấn cho các ứng viên.

Bản danh sách mức học phí tương ứng với từng khóa học, từ 35 – 100 triệu đồng một học viên. Riêng khóa đào tạo phi công, học phí thỏa thuận và không dưới 1 tỉ đồng. Nếu học viên đã có chứng chỉ tiếng Anh, mức học phí giảm 5 triệu đồng/khóa.

Skyteam tuyển sinh quanh năm, tính đến tháng 5-2024, công ty này đã mở khóa đào tạo thứ 13. Mỗi khóa có khoảng 17 – 20 học viên, tất cả đều học chung lớp, không phân biệt vị trí huấn luyện.

Không được cấp phép đào tạo nhân viên hàng không

Ngày 25-5, theo đề nghị của Tuổi Trẻ, Cục Hàng không Việt Nam đã rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam khẳng định không nhận được hồ sơ đề nghị và cũng chưa cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không cho Công ty cổ phần Học viện nhân lực Skyteam (Skyteam Academy).

Địa phương vào cuộc xác minh

Ngày 27-5, phóng viên Tuổi Trẻ đã tới trụ sở của Skyteam để làm rõ những phản ánh của học viên. Trợ lý của bà Đinh Thị Dung là ông Lê Văn Toàn cho biết bà Dung mới nhập viện điều trị bệnh, khoảng 1 tháng mới xuất viện.

Ông Toàn hứa hẹn công ty sẽ cử người đại diện làm việc với báo Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, đã nhiều ngày qua, phóng viên liên hệ với ông Toàn đều nhận được câu trả lời: “Vẫn chưa tìm được đại diện làm việc, khi nào có trung tâm sẽ liên hệ với báo”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Đông Anh cho biết các phòng chuyên môn của huyện đang vào cuộc xác minh, tổng hợp về sự việc. “Bao giờ có kết quả xác minh chính thức, chúng tôi sẽ thông tin thêm với cơ quan báo chí” – vị này nói.

Hai giảng viên từng là tiếp viên trưởng

Theo Cục Hàng không Việt Nam, bà Đinh Thị Dung được tuyển dụng vào VietJet từ ngày 8-8-2017 và thôi việc từ ngày 26-12-2023, với vị trí tiếp viên trưởng trước khi nghỉ việc. Ông Cao Quyết Thắng được tuyển vào VietJet từ ngày 29-8-2017 và thôi việc từ ngày 1-7-2022, với vị trí tiếp viên trưởng trước khi nghỉ việc. Đây là hai trong số ba người đang là giảng viên và cố vấn đào tạo được trung tâm này quảng bá trên web.

Bát nháo trạm đào tạo đại học từ xaBát nháo trạm đào tạo đại học từ xa

TTO – Một số nơi giới thiệu là trạm đào tạo đại học từ xa của Đại học Thái Nguyên, ĐH Mở Hà Nội tại TP.HCM và chiêu sinh rầm rộ nhiều ngành, trong đó có ngôn ngữ Anh.