Chiêu trò xếp hạng đại học: Mánh lới xếp hạng, thăng hạng

Theo nhiều chuyên gia, bảng xếp hạng không nói lên điều gì về chất lượng của một trường đại học (ĐH), trong khi các trường có thể dễ dàng tác động đến bảng xếp hạng đại học toàn cầu nếu muốn.

Đa dạng bảng xếp hạng đại học

Mới đây, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS – tổ chức xếp hạng giáo dục của Anh) đã công bố kết quả bảng xếp hạng đại học thế giới QS World University Rankings 2025 (QS WUR 2025), trong đó có 6 ĐH Việt Nam.

Theo QS WUR 2025, ở Việt Nam, Trường ĐH Duy Tân được xếp hạng cao nhất – ở vị trí 495, tăng 19 bậc so với năm ngoái. Theo sau là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, với vị trí 711 – 720, tăng 10 hạng; ĐH Quốc gia Hà Nội vào top 851 – 900, tăng 100 hạng; ĐH Quốc gia TP.HCM ở nhóm 901 – 950, tăng 50 hạng. Hai đại diện còn lại là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Huế, đều thuộc top 1.201 – 1.400.

QS cũng vừa công bố báo cáo QS Yearbook 2024, trong đó Việt Nam có 9 trường ĐH lọt vào danh sách chấm sao của QS, tăng 4 trường so với năm 2023. Việc nhiều trường ở Việt Nam tăng hạng trong bảng xếp hạng này khiến nhiều người tự hào và nghĩ rằng giáo dục ĐH nước nhà “đạt đẳng cấp thế giới”.

Hiện có khá nhiều tổ chức xếp hạng ĐH thế giới với hơn 10 bảng xếp hạng: bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới của báo Times – THE (Times Higher Education World University Rankings); bảng xếp hạng học thuật các trường ĐH thế giới – Academic Ranking of World Universities (ARWU – bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc);

Bảng xếp hạng SCImago (SCImago Institutions Rankings) – tổ chức gồm các cơ sở nghiên cứu của Tây Ban Nha; bảng xếp hạng ĐH Webometrics của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha);

Bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới cho “Xếp hạng toàn cầu về các ngành học” – Global Ranking of Academic Subjects (GRAS) của Tổ chức xếp hạng ĐH Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc); CWUR (thuộc Trung tâm xếp hạng các ĐH thế giới – The Center of World University Rankings);

Bảng xếp hạng U.S. News, bảng xếp hạng các ĐH tốt nhất toàn cầu – Best Global Universities (tạp chí U.S News & World Report của Mỹ)…

Tôi cho rằng những con số thống kê về xếp hạng, số lượng bài báo, thành tích khoa học không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện để các ĐH phục vụ sinh viên tốt hơn, góp phần tạo ra những trí thức thực thụ, đóng góp tích cực hơn cho nền khoa học Việt Nam và rộng hơn là sự phát triển của đất nước.

TS Dương Tú (ĐH Purdue, Mỹ)

Nhiều lỗ hổng của các bảng xếp hạng đại học

Xếp hạng đại học là vấn đề tranh cãi, mỗi bảng mỗi bộ tiêu chí nên rất khó để xác định bảng nào chính xác hơn. Theo chuyên gia, thực tế cho thấy các trường ĐH có thể dùng chiêu trò, thủ thuật để vào được các bảng xếp hạng.

Trên khắp thế giới, các tổ chức xếp hạng đại học đã bị vạch trần là không nhất quán, thay đổi các chỉ số xếp hạng từ năm này qua năm khác và bỏ sót nhiều dữ liệu rất quan trọng.

Cuối năm 2020, GS Pervez Hoodbhoy, một học giả hàng đầu Pakistan, có bài viết đăng trên nhật báo Dawn về mánh lới thao túng xếp hạng ĐH và những chiêu trò gian lận trong khoa học tại Pakistan. Ông Hoodbhoy dẫn ra hàng loạt minh chứng, chính là các trường ĐH ở quê hương ông.

“Các tổ chức thực hiện xếp hạng không bao giờ cử người đến hàng ngàn trường ĐH ở nước ngoài mà họ xếp hạng. Thay vào đó, họ chỉ cần gửi các biểu mẫu qua thư điện tử cho các lãnh đạo ĐH, những người điền chúng theo ý muốn. Các tiêu chí xếp hạng được điều chỉnh để có lợi cho khách hàng”, GS Hoodbhoy viết.

Ông Hoodbhoy cũng chỉ ra các chiêu trò để lọt vào bảng xếp hạng đại học và thăng hạng.

“Đầu tiên việc tạo ra các bài báo khoa học mà không biết gì về khoa học hoặc không hề tiến hành nghiên cứu đã được những kẻ gian dối trong giới khoa bảng trong và ngoài nước biến thành nghệ thuật. Ở giai đoạn thứ hai, những thứ này sẽ được xuất bản. Giai đoạn thứ ba – và khó khăn nhất – là tạo ra các trích dẫn sau khi bài báo được xuất bản.

Lúc này, giáo sư gian lận dựa vào những đồng bọn gian dối để trích dẫn làm tăng thứ hạng của ông ta. Những đồng bọn đó lại có bạn bè ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi hoặc nơi khác. Mạng lưới quốc tế này được gọi là băng đảng trích dẫn (citation cartel). Các thành viên băng đảng trích dẫn tạo ra hàng loạt rác rưởi mà giới khoa học chính thống không bao giờ để ý đến” – ông Hoodbhoy viết.

Theo GS.TS Ngô Việt Trung – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các ĐH có thể dễ dàng tác động đến bảng xếp hạng đại học toàn cầu QS nếu họ không trung thực.

Trong sáu tiêu chí xếp hạng của tổ chức QS, có hai tiêu chí khách quan dựa vào ý kiến của chuyên gia, chiếm 50% số điểm.

Bốn tiêu chí còn lại dựa vào các số liệu do nhà trường cung cấp, trừ số trích dẫn trung bình của mỗi giảng viên (danh sách giảng viên cũng do nhà trường cung cấp) trong cơ sở dữ liệu của SCOPUS. Vấn đề nằm ở chỗ danh sách chuyên gia đánh giá cũng do nhà trường đề nghị. Điều này rõ ràng không khách quan.

Thứ hạng 6 đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS 2025 - Ảnh chụp màn hình

Thứ hạng 6 đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS 2025 – Ảnh chụp màn hình

Lo ngại xếp hạng ĐH dỏm

GS Ngô Việt Trung cho rằng thực trạng liêm chính khoa học ở Việt Nam thật sự nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, không chỉ cá nhân mà còn có cả trường ĐH vi phạm liêm chính khoa học.

“Việt Nam đang tiệm cận Pakistan – nước vốn nổi tiếng thế giới về thành tích công bố dỏm và xếp hạng ĐH dỏm. Thậm chí một số trường ĐH chúng ta còn tinh vi hơn họ trong việc ngụy tạo thành tích nghiên cứu để có xếp hạng cao trên thế giới.

Cứ tưởng tượng xem nếu chúng ta cho phép tồn tại những ĐH hay giáo sư kiểu này thì họ sẽ đào tạo ra những con người cũng coi chuyện giả mạo là bình thường” – ông Trung nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm

Tháng 3-2022, Moshe Porat, cựu hiệu trưởng Trường Kinh doanh và quản lý Fox thuộc ĐH Temple, bị tuyên án 14 tháng tù và nộp phạt 250.000 USD do phạm tội giả mạo số liệu nhằm gian lận xếp hạng ĐH.

Bằng dữ liệu gian dối, Moshe Porat đã đưa chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh trực tuyến của Trường Fox xếp số 1 tại Mỹ trong 4 năm liên tiếp từ 2015 đến 2018. Việc thăng hạng nhanh chóng của Trường Fox đã giúp trường này tăng gấp đôi số lượng tuyển sinh chỉ trong vòng 3 năm từ 2014 đến 2017 và thu được thêm hàng triệu USD học phí cùng rất nhiều tiền tài trợ.

Cùng thời điểm trên, GS Michael Thaddeus (ĐH Columbia) công bố một bản báo cáo với nhiều số liệu phân tích thống kê chỉ ra rằng vị trí thứ 2 của trường này trên bảng xếp hạng các ĐH tốt nhất nước Mỹ năm 2021 – chỉ xếp sau ĐH Princeton và đứng trên cả ĐH Harvard lẫn MIT – hoàn toàn dựa trên dữ liệu “không chính xác, đáng ngờ hoặc nhiều khả năng lừa dối”.

Trong khi đó, tổ chức xếp hạng ĐH U.S. News & World Report cho biết họ dựa hoàn toàn vào số liệu do các trường cung cấp, dù không thể kiểm chứng và đánh giá độ tin cậy của chúng. Không hề có sự giám sát và kiểm tra độc lập dữ liệu xếp hạng đại học.

Theo TS Dương Tú, ĐH Purdue (Mỹ), hai trường hợp gian lận xếp hạng ĐH kể trên cho thấy nhiều điều.

“Trước hết, nó thể hiện phần nào bức tranh gian lận, thành tích ảo, ngộ nhận về các bảng xếp hạng. Sự cẩu thả, vô trách nhiệm và thiếu khả tín của nhiều bảng xếp hạng khiến thái độ sùng bái xếp hạng ĐH ở một bộ phận không nhỏ trong giới khoa bảng lẫn công chúng trở thành một hiện tượng vừa hài hước vừa mỉa mai.

Thứ hai, gian lận có thể xảy ra ở bất cứ đâu – từ Mỹ tới Việt Nam, theo những hình thức khác nhau – từ khai gian số liệu đến mua bài báo. Sự khác biệt nằm ở chỗ gian lận sẽ bị xử lý như thế nào khi bị phát hiện.

Thứ ba, việc một giáo sư toán tại ĐH Columbia lên tiếng đặt nghi vấn về gian lận xếp hạng của chính nơi ông làm việc mà không phải lo lắng bị trường trù dập hay trả thù cho thấy giá trị to lớn của tự do học thuật khi quyền bày tỏ quan điểm, chất vấn của những người làm việc trong môi trường ĐH được khuyến khích, tôn trọng và bảo vệ” – TS Dương Tú nhận định.

(Còn tiếp)

Xếp hạng đại học: Nhiều đại học lớn rời bỏ cuộc chơiXếp hạng đại học: Nhiều đại học lớn rời bỏ cuộc chơi

Không cần tham gia các bảng xếp hạng, nhiều đại học đang nỗ lực tạo dựng vị thế bằng các công trình nghiên cứu, các dự án thay đổi xã hội theo hướng tích cực và bền vững.