Nâng chất cho đội ngũ giáo viên: Kinh nghiệm nhìn từ thế giới

Yêu cầu đối với GV trên thế giới

Singapore đã xác định cụ thể các nhóm năng lực cơ bản mà mỗi GV cần phải đạt được khi bước vào nghề dạy học. Bên cạnh các năng lực dạy học và giáo dục HS,

Singapore cũng chỉ rõ các yêu cầu bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để phát triển nghề nghiệp trong thế kỷ mới. Một mặt họ nhấn mạnh “trách nhiệm pháp lí và sự cần thiết phải duy trì các tiêu chuẩn cao về sự liêm chính nghề nghiệp” khi GV thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Mặt khác đòi hỏi mỗi GV phải có khả năng “tìm kiếm cơ hội để chủ động cải thiện chuyên môn” cũng như “nhận thức về giá trị và sự cần thiết của những kĩ năng cần cho khởi nghiệp và đổi mới sự nghiệp”…

Còn tại CHLB Đức, PGS.TS Cao Thị Hà – Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên cho biết, kinh nghiệm đào tạo giáo viên là ban hành Chuẩn đào tạo GV; Quy định về đào tạo GV hai giai đoạn; Chú trọng đào tạo GV tập sự; Tăng cường thực tập nghề nghiệp. Việc đào tạo và tuyển dụng GV ở CHLB Đức do nhà nước kiểm soát thông qua các kỳ thi quốc gia và quá trình đào tạo tập sự. Việc tồn tại một cơ sở đào tạo chuyên trách chăm lo đào tạo GV tập sự trực thuộc Bộ Giáo dục ở mỗi bang là nét riêng biệt của hệ thống đào tạo GV ở Đức.

Ireland – một quốc gia có nền giáo dục phát triển ở châu Âu, đã vận dụng lý thuyết học tập trải nghiệm trong phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho GV là một hướng đi. Với mô hình này GV trải qua ba giai đoạn trải nghiệm là quan sát người học; tham gia với vai trò người học; suy ngẫm và lập kế hoạch, phát triển và gia công sư phạm. Sau quá trình ứng dụng lý thuyết học tập trải nghiệm trong phát triển chuyên môn GV với thí điểm ở một số trường trung học, kết quả bước đầu cho thấy những thay đổi tích cực trong công tác chuyên môn GV qua các khía cạnh: Vai trò của GV, những thách thức cần đối mặt, các điều kiện hỗ trợ và tác động lên HS…

Ảnh minh họa

Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

PGS.TS Cao Thị Hà – Trường ĐHSP – ĐH Thái Nguyên cho rằng: Đào tạo GV của Việt Nam hiện nay chủ yếu theo mô hình truyền thống. Mô hình này có ưu điểm là chương trình đào tạo ngay từ đầu đã có định hướng với giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, trong các trường sư phạm chủ yếu là đào tạo GV phổ thông dạy 1 môn, điều này sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các trường phổ thông khi phân công nhiệm vụ giảng dạy cho GV và gây nên những lãng phí nhất định (trong khi đó ở Đức đào tạo GV bắt buộc phải đào tạo 2 môn với lí do cốt lõi là để thuận lợi cho các trường khi phân công giảng dạy)…

Cấu trúc khóa học trong chương trình đào tạo GV của Việt Nam cũng chưa thật hợp lí. Các trường ĐH sư phạm của Việt Nam đều đào tạo GV dạy 1 môn trong thời gian là 4 năm, SV tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân và có thể giảng dạy ngay tại các trường phổ thông sau khi trải qua cuộc thi tuyển của trường hoặc của sở, một số có thể thành giảng viên của các trường ĐH, CĐ. Trong khi đó, ở CHLB Đức sau thời gian học liên tục 5 năm tại trường ĐH, sinh viên sẽ được nhận bằng thạc sĩ và có thể giảng dạy 2 môn tại trường phổ thông, nhưng trước khi trở thành GV thực thụ họ cần có thời gian tập sự 1 năm dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Giáo dục các bang và phải trải qua kì thi tuyển GV cấp quốc gia.

Từ những nghiên cứu về đào tạo giáo viên tại Ireland, ThS Nguyễn Hoàng Đoan Huy – Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐHSP Hà Nội đã đề xuất một số định hướng vận dụng vào bối cảnh Việt Nam. Trước hết cải cách, đổi mới giáo dục phải được lên kế hoạch tiến hành song song và chú trọng nhiều hơn vào công tác phát triển chuyên môn cho đội ngũ GV. GV phải được đào tạo, bồi dưỡng trước, thí điểm lên HS, nhà trường sau cùng mới áp dụng đại trà trên diện rộng để bảo đảm kế hoạch đổi mới có hiệu quả sau khi điều chỉnh và bổ sung hợp lí, phù hợp…

Phát triển chuyên môn của GV theo lí thuyết học tập trải nghiệm kết hợp với ứng dụng những nội dung của đổi mới giáo dục để đảm bảo phát triển chuyên môn đi theo đúng bản chất của nó là phát triển trí tuệ và niềm tin, thái độ của GV…; Xây dựng cộng đồng phát triển chuyên môn hỗ trợ thường xuyên và chuyên nghiệp cho đội ngũ GV trong và ngoài trường. Hoạt động hỗ trợ xây dựng cộng đồng này nên được diễn ra thông qua sinh hoạt chuyên môn, ứng dụng tiếp cận nghiên cứu bài học trong đó đặt HS và hoạt động học tập của HS vào trung tâm, đánh giá hiệu quả dạy học của GV thông qua hành vi, thái độ, cảm xúc của HS trên lớp cũng như kết quả học tập của HS qua các sản phẩm học tập.

ThS Hà Thị Lan Hương – Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐHSP Hà Nội lại đề xuất những định hướng với đổi mới GD Việt Nam nói chung và phát triển chuyên môn cho GV nói riêng. Để đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam đạt hiệu quả cao, ngoài việc xây dựng kế hoạch, thiết kế chương trình, chuẩn bị cơ sở vật chất… thì nguồn lực GV cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu. GV phải được phát triển chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên, liên tục và suốt đời… GV phải có kiến thức về khoa học, về phương pháp học, phương pháp giảng dạy khoa học. Cần phải xây dựng bộ chuẩn phát triển chuyên môn cho GV giảng dạy khoa học để họ được học tập và phát triển suốt đời…

Không bỏ qua việc xây dựng cộng đồng phát triển chuyên môn hỗ trợ thường xuyên và chuyên nghiệp cho đội ngũ GV trong và ngoài trường; Xây dựng đồng bộ các chuẩn khác như chuẩn về chương trình giảng dạy, chuẩn nội dung khoa học, chuẩn đánh giá khoa học GD, chuẩn về hệ thống khoa học GD…