4 trường đại học hoạt động ra sao trong Khu công nghệ cao TP.HCM?

Trung tâm đào tạo chất lượng cao HUTECH nằm ở gần cổng vào Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: N.T.

Bốn trường đại học có cơ sở đào tạo tại Khu công nghệ cao TP.HCM gồm Trường đại học Công nghệ TP.HCM, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học FPT và Trường đại học Fulbright Việt Nam.

Trong đó, trụ sở chính Trường đại học Fulbright Việt Nam được khởi công xây dựng từ ngày 6-6-2019 trên khu đất 15ha nằm trong Khu công nghệ cao. Hoạt động đào tạo của trường đại học này hiện vẫn diễn ra tại quận 7.

Khu đất Trường đại học Fulbright Việt Nam khi khởi công xây dựng trụ sở năm 2019. Tòa nhà đối diện ở góc phải là Trung tâm phát triển công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành. Bên phải tòa nhà Trường đại học Nguyễn Tất Thành là Viện Công nghệ cao HUTECH - Ảnh: FUV

Khu đất Trường đại học Fulbright Việt Nam khi khởi công xây dựng trụ sở năm 2019. Tòa nhà đối diện ở góc phải là Trung tâm phát triển công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành. Bên phải tòa nhà Trường đại học Nguyễn Tất Thành là Viện Công nghệ cao HUTECH – Ảnh: FUV

Trong khi đó, ba trường đại học còn lại đã xây dựng một phần hoặc toàn bộ diện tích đất, đưa vào sử dụng.

Theo quy hoạch chi tiết Khu công nghệ cao TP.HCM, các trường đại học này được đầu tư, xây dựng tại các phân khu đào tạo hoặc nghiên cứu – đào tạo – chuyển giao.

Trường đại học Công nghệ TP.HCM có hai khu đất trong Khu công nghệ cao. Trong đó, Trung tâm đào tạo chất lượng cao HUTECH nằm ở phân khu đào tạo có diện tích 1,6 héc ta, nằm ở gần cổng chính Khu công nghệ cao (xa lộ Hà Nội). Khu này trường đã xây dựng và đưa vào hoạt động ba tòa nhà. Sinh viên nhiều ngành theo học ở đây.

Cách đó khoảng 3,5km ở đường D1 là Viện công nghệ cao HUTECH. Viện được xây dựng trên diện tích đất 46.000m2. Viện này hiện có một tòa nhà và một sân bóng đá.

Viện công nghệ cao HUTECH (phía trước sân bóng). Đối diện bên kia đường D1 là phân hiệu Trường đại học FPT - Ảnh: T.L.

Viện công nghệ cao HUTECH (phía trước sân bóng). Đối diện bên kia đường D1 là phân hiệu Trường đại học FPT – Ảnh: T.L.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 24-6, ông Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM – cho biết trường làm đúng theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các cơ sở của trường tại Khu công nghệ cao.

“Trung tâm đào tạo chất lượng cao HUTECH nằm ở phân khu đào tạo có chức năng đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm được đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành đào tạo sinh viên đại học một số học phần liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, thực hành, nghiên cứu khoa học. Các học phần còn lại sinh viên học tại cơ sở của trường ở quận Bình Thạnh” – ông Quốc Anh nói.

Đối với Viện công nghệ cao HUTECH nằm ở phân khu đào tạo – nghiên cứu – chuyển giao, ông Quốc Anh cho biết viện này chỉ đào tạo sau đại học. Một số học phần thực hành, thí nghiệm và nghiên cứu của học viên sau đại học sẽ được tổ chức ở đây. Ngoài ra viện cũng đã ký hợp tác đào tạo với hơn 100 doanh nghiệp về đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động.

Nằm ngay bên cạnh Viện công nghệ cao HUTECH là Trung tâm phát triển công nghệ caoTrường đại học Nguyễn Tất Thành. Dự án trung tâm này có 4 tòa nhà, được khởi công năm 2017. Năm 2021 trường khánh thành tòa nhà đầu tiên.

Trung tâm phát triển công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: T.L.

Trung tâm phát triển công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành tại Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: T.L.

Trung tâm phát triển công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành có diện tích 4,7ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng. Trung tâm được thiết kế bao gồm Khối hành chính – quản lý, Viện khoa học sức khỏe, Viện nghiên cứu y dược, Viện quy hoạch kiến trúc xây dựng, Viện khoa học môi trường – công nghệ sinh học, Viện nghiên cứu tin học…

Ông Hoàng Hữu Dũng – phó hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Tất Thành – cho hay hiện trường đã đầu tư nhiều phòng thí nghiệm, thực hành tại đây. Khoảng 100 giảng viên của trường đang thực hiện nghiên cứu khoa học tại trung tâm.

“Các viện nghiên cứu của trường đã và đang chuyển về làm việc tại trung tâm này. Hiện vẫn còn nhiều không gian trống do thiết bị phòng thí nghiệm, thực hành chưa về kịp để lắp đặt. Trường đầu tư vài chục phòng thí nghiệm ở đây. Mới nhất là phòng thí nghiệm, thực hành răng hàm mặt” – ông Dũng cho biết thêm.

Trong khi đó, Trường đại học FPT bị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đề nghị ngừng đào tạo đại học trong Khu công nghệ cao. Kết quả kiểm tra của ban quản lý cho thấy Trường đại học FPT đào tạo bậc đại học (kỹ sư) chiếm 99,09%, sau đại học (thạc sĩ) chiếm 0,91%.

Vị trí khu đất được giới thiệu là phân hiệu Trường đại học FPT tại TP.HCM vốn được cấp phép cho chủ đầu tư là Viện đào tạo quốc tế FPT TP.HCM - Ảnh: N.T.

Vị trí khu đất được giới thiệu là phân hiệu Trường đại học FPT tại TP.HCM vốn được cấp phép cho chủ đầu tư là Viện đào tạo quốc tế FPT TP.HCM – Ảnh: N.T.

Đoàn kiểm tra của ban quản lý đánh giá việc đào tạo bậc đại học (kỹ sư) chiếm 99,09% là không đúng mục tiêu được cấp tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Hơn nữa, vị trí được giới thiệu là phân hiệu Trường đại học FPT tại TP.HCM vốn được cấp cho chủ đầu tư là Viện đào tạo quốc tế FPT TP.HCM. Tháng 7-2020, Trường đại học FPT có quyết định sáp nhập Viện đào tạo quốc tế FPT TP.HCM vào phân hiệu Trường đại học FPT tại TP.HCM.

Ngoài ra, ngày 17-1-2013, ban quản lý đã có công văn gửi Trường đại học FPT về đề nghị xây dựng phân hiệu Trường đại học FPT trong Khu công nghệ cao là không phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 Khu công nghệ cao.

Vướng mắc tiền thuê đất dự án Trường đại học Fulbright

Tháng 5-2024, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường và Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực IV Trần Khánh Hòa, tại cuộc họp liên quan đến khó khăn vướng mắc về tiền thuê đất của Trường đại học Fulbright Việt Nam tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Theo đó, UBND TP và Kiểm toán Nhà nước khu vực IV thống nhất có biên bản về nội dung làm việc để báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính theo chỉ đạo.

Biên bản này thống nhất, khẳng định nội dung tại báo cáo kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước là phù hợp với quy định pháp luật.

Đề nghị Trường đại học Fulbright cung cấp bổ sung các tài liệu, thông tin liên quan chủ trương đầu tư, hợp tác, các tuyên bố chung, tuyên bố song phương… kể từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của Trường đại học Fulbright Việt Nam, để Ban quản lý Khu công nghệ cao dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng.

Dự án đầu tư thành lập Trường đại học Fulbright Việt Nam được Thủ tướng chấp thuận chủ trương vào tháng 6-2014.

Tháng 2-2016, Ban quản lý Khu công nghệ cao ký hợp đồng cho Trường đại học Fulbright Việt Nam được thuê đất với giá 0 đồng/m2, diện tích hơn 15ha, sử dụng trong 50 năm, bản chất là miễn tiền thuê đất.

Đề nghị Trường đại học FPT ngừng đào tạo đại học trong Khu công nghệ cao TP.HCMĐề nghị Trường đại học FPT ngừng đào tạo đại học trong Khu công nghệ cao TP.HCM

Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đề nghị Trường đại học FPT ngừng đào tạo đại học trong khu công nghệ cao, gỡ bỏ các thông tin liên quan phân hiệu.