Tuyển sinh năm 2020: Để không còn “tổ hợp lạ” và phá đáy “điểm sàn”

Những thay đổi lớn

Trao đổi về những chính sách trong chỉ tiêu tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Nội dung này dự kiến có ba thay đổi lớn: Thứ nhất, thực hiện Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn của giáo viên (GV) phổ thông là từ đại học trở lên, đối với GV mầm non là từ cao đẳng trở lên. Do vậy năm nay sẽ không xác định và giao chỉ tiêu trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo GV, trừ giáo dục mầm non. Thứ hai, đối với ngành mới được mở năm đầu tiên sẽ xác định không quá 50 chỉ tiêu. Quy định này nhằm mục đích để các trường củng cố các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo thật tốt.

Thứ ba, riêng hai ngành mà Chính phủ đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo là công nghệ thông tin và du lịch sẽ có quy định riêng. Đối với những trường đã có kinh nghiệm tuyển sinh hai nhóm ngành này từ năm thứ hai trở đi, thì việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính bao gồm cả các giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia đang làm việc trong các lĩnh vực thuộc ngành đào tạo đó.

Cụ thể: Giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia có bằng thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp đại học cùng ngành và có từ 3 hoặc 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo; số giảng viên thỉnh giảng tối đa bằng 40% tổng giảng viên cơ hữu.

“Quy định trên nhằm đẩy mạnh quy mô cũng như chất lượng đào tạo của hai ngành này, đồng thời phù hợp với các trường và phù hợp với toàn hệ thống” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, năm nay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tiếp tục được quy định đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe. Tuy nhiên, quy chế lần này không chỉ áp dụng đối với hình thức đào tạo chính quy, mà xác định với các hình thức đào tạo khác như vừa làm vừa học, văn bằng 2… nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào trên cùng một mặt bằng chung.

Chia sẻ về một số dự kiến thay đổi trong Quy chế tuyển sinh năm nay, Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Quy chế tuyển sinh sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh của trình độ đại học vào cùng một quy chế, bao gồm cả chính quy, vừa học vừa làm, văn bằng 2, chất lượng cao, liên kết đào tạo… để cả hệ thống có tính ổn định, dễ tra cứu, dễ sử dụng và trên cùng một mặt bằng pháp luật. Ngoài ra, quy chế lần này quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường, đặc biệt là trường tự tổ chức tuyển sinh, thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực… Qua đó nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Xuân Phú

Chẳng hạn như hệ vừa làm vừa học, dù là thi tuyển hay xét tuyển cũng đều trên cơ sở học bạ Khá hoặc Giỏi giống như hệ đào tạo chính quy. Hay như nếu muốn học văn bằng 2 cũng phải trên cơ sở học bạ Giỏi, văn bằng 1 được xếp loại Giỏi… thì mới được vào học ngành đào tạo giáo viên hoặc sức khỏe. Tức là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được quy định ở tất cả các hình thức đào tạo.

Nhấn mạnh quy chế tuyển sinh sẽ quy định chặt chẽ chế tài xử lý các trường hợp vi phạm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi: Đối với các trường, cán bộ lãnh đạo, cán bộ tuyển sinh, đặc biệt là thí sinh có gian lận hoặc chỉ cần liên quan đến gian lận sẽ được áp dụng chế tài xử lý như buộc thôi học với thí sinh.

Về kinh phí tuyển sinh, căn cứ vào Luật Giá, Luật Phí và Lệ phí, sẽ không còn quy định lệ phí tuyển sinh. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng quy định các cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ. Do đó, việc định ra mức giá dịch vụ tuyển sinh thuộc trách nhiệm của các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, năm nay là năm cuối cùng trong giai đoạn ổn định cơ chế tuyển sinh sau Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Vì vậy Quy chế tuyển sinh về cơ bản vẫn giữ ổn định.

Không lặp lại những hạn chế, bất cập

Nhắc lại một số hạn chế trong công tác tuyển sinh năm 2019, Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng nêu lên một số vấn đề mà các cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm: Thứ nhất là xuất hiện những tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo. Một số trường đã bị báo chí phản ánh, dư luận lên án, sau đó các trường phải đóng tổ hợp đó lại. Tuy nhiên, khi đóng tổ hợp, việc xét tuyển sẽ rất phức tạp vì đã có thí sinh đăng ký. Các trường phải liên hệ với thí sinh, rồi phải khóa hệ thống… Vì vậy, năm nay phải làm chặt chẽ ngay từ đầu. Các trường đưa ra quy định thì phải giải trình được.

Thứ hai, một số trường lạm dụng quyền tự chủ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố. Mặc dù là quyền của các trường nhưng mục đích của tự chủ không phải là để hạ thấp chất lượng. Do vậy, bên cạnh một số ngành khó tuyển sinh, các trường có thể chấp nhận mức đầu vào thấp hơn so với các ngành khác trong hệ thống. Nhưng tổng điểm đầu vào không thể quá thấp để sau này không giải trình được với xã hội. Đó là nội dung mà cả hệ thống chúng ta nên cùng nhau quán triệt để không bị lặp lại.

Thứ ba, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp dẫn đến một số ngành chỉ có một vài thí sinh đủ “điểm sàn”, không đủ điều kiện để mở lớp. Một số trường quyết định không thực hiện theo thông báo, nâng điểm trúng tuyển lên để “đánh trượt thí sinh”, dừng tuyển sinh để thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng tiếp theo… nhưng không trao đổi với các cơ quan có liên quan để giải quyết quyền lợi cho thí sinh.

Thí sinh cần nắm vững quy chế tuyển sinh. Ảnh: Sỹ Điền
Chúng tôi thông cảm với các thầy, cô vì khi có một vài thí sinh trúng tuyển không đủ điều kiện mở lớp nên cũng không thể tổ chức lớp học được. Tuy nhiên, nếu các trường liên hệ với chúng tôi thì sẽ có giải pháp cho các thí sinh, để những thí sinh yêu thích ngành sư phạm vẫn có thể chuyển từ hệ thống sang trường khác để xét tuyển. Năm nay chúng ta cần lưu ý và quán triệt tinh thần này.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng

Thứ tư, vấn đề tương tác với hệ thống vẫn còn lúng túng như: Nhập thiếu, không nhập, nhập không đúng thời gian, cấu trúc, nội dung… theo quy định về việc nhập danh sách thí sinh trúng tuyển, thí sinh xác nhận nhập học, thí sinh đã nhập học lên hệ thống. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khuyến cáo: Năm nay, cần tương tác thật tốt với hệ thống, tránh tình trạng một số tường không tuân thủ theo quy định làm ảnh hưởng đến cả hệ thống.

“Chúng tôi mong muốn, các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT làm theo hướng dẫn, yêu cầu thí sinh phải nắm vững quy chế, quy trình đăng ký tham gia xét tuyển; tránh tình trạng có thí sinh sai sót, sau này khi nhập học ở cơ sở giáo dục đại học không được chấp nhận thì cả hệ thống phải xử lý rất vất vả. Hoặc ở điểm tiếp nhận hồ sơ, nếu như dữ liệu không được kiểm tra kỹ, việc nhập cơ sở dữ liệu không được tốt thì sau này sẽ phải xử lý rất phức tạp, nhất là đối với thí sinh thuộc diện chính sách ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Do đó, các sở GD&ĐT và các trường THPT quan tâm và sát sao về nội dung này” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý.

Thứ năm, năm 2019 tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng tỷ nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển). Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Do trường không nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống; một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỷ lệ học sinh đỗ đại học nên đã khuyến khích một số thí sinh không có nguyện vọng học đại học vẫn đăng ký xét tuyển để nâng tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học cho trường mình. Đây là những lý do khiến tỷ lệ thí sinh đỗ đại học bị ảo lớn. Điều này cần được khắc phục trong năm tới.

“Bộ GD&ĐT không quy định giá dịch vụ tuyển sinh cũng như phân khai giá dịch vụ cho các chủ thể tham gia. Công tác tuyển sinh năm 2020 vẫn phải thực hiện ổn định như các năm trước để các trường và thí sinh chủ động quy trình, đồng thời ổn định tâm lý”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng

Minh Phong (ghi)