Trường ngoài công lập còn nhiều vướng mắc cơ chế

Sáng 13/1, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã tổ chức Hội nghị các trường THPT ngoài công lập.

Hệ thống trường THPT ngoài công lập tại Nghệ An được thành lập từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, từ những năm 2010 đến nay, hoạt động của các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Trong đó có 4 trường đã giải thể, chuyển đổi hoạt động do số học sinh THCS giảm qui mô (từ 317.216 học sinh THCS (2004) xuống còn 185.367 học sinh THCS (2019).

Đại diện trường THPT ngoài công lập phát biểu tại hội nghị

Hiện toàn tỉnh còn lại 27 mô hình trường ngoài công lập với tổng số 475 giáo viên cơ hữu làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động. Trong số này, có 15/17 đơn vị đã có Hội đồng quản trị, có 2 trường thuộc chủ đầu tư. Thu nhập bình quân của giáo viên trường ngoài công lập là 2.800.000 đ/người/ tháng (đã tham gia bảo hiểm).

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các trường ngoài công lập cũng đã có nhiều ý kiến và đề xuất với lãnh đạo Sở GD&ĐT, Công đoàn GD Nghệ An.
Trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: giải pháp để thống nhất cơ chế hoạt động chung cho loại hình trường tư thục; nâng cao chất lượng giáo dục trường THPT ngoài công lập; công tác bồi dưỡng giáo viên cũng như giáo viên giỏi của trường ngoài công lập có được tham gia chấm, coi thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi THPT quốc gia; công tác xếp loại thi đua, khen thưởng; vấn đề dạy nghề trong trường THPT ngoài công lập…
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh) gói bánh chưng trong chương trình “Ngày tết trường em” xuân Canh Tý

Đặc biệt được nhiều đại diện nhà trường bày tỏ ý kiến là bất cập trong công tác tuyển sinh trường tư thục do một số bất hợp lý trong công tác phân luồng ở bậc THCS.

Trong khi đó, khoảng cách giữa các trường ngoài công lập và công lập là khá lớn, cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên, nhiều trường có tình trạng “chảy máu” giáo viên dạy giỏi.

Kết luận hội nghị, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với những khó khăn của các trường ngoài công lập. Một trong số đó đến từ vướng mắc về cơ chế hoạt động của trường dân lập không cổ phần hóa rõ ràng. Hiện nay, về tên gọi các trường ngoài công lập là trường tư thục, nhưng không đủ tiêu chí theo luật doanh nghiệp. Ngành đã có ý kiến và sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để tìm giải pháp tháo gỡ.

Giờ học của cô trò Trường THPT Đinh Bạt Tụy (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An)

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị các trường cần xác định tầm nhìn, bước đi, lộ trình phụ hợp, xây dựng bước đi thương hiệu nhà trường. Đa dạng hóa các hình thức dạy học: dạy phẩm chất, kỹ năng, xây dựng giá trị sống cho học sinh.

Với những khó khăn về cơ sở vật chất, chuyên môn, Sở cũng đề nghị các trường có thống kê và đề xuất cụ thể để Sở có giải pháp giúp đỡ. Chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên toàn tỉnh. Đồng thời huy động các nguồn xã hội hóa, đặt hàng mở lớp nâng cao năng lực quản trị cho trường ngoài công lập.

Về phía Sở, từ năm học này cũng sẽ có những đổi mới trong trong công tác phân luồng sau THCS, tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Sẽ kỷ luật Hiệu trưởng nếu không để HS thi tuyển sinh THPT

Giám đốc Sở khẳng định trong năm học này sẽ chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện thành thị, nếu trường nào “ngầm” phân luồng không cho học sinh thi vào THPT sẽ kỷ luật Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, sẽ giảm tỷ lệ học sinh phân luồng từ 30 xuống 20% và quản lý chặt việc tuyển sinh ở các Trung tâm GDTX theo đúng chỉ tiêu được giao để tăng nguồn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập.

Hồ Lài