Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường tư thục: Tạo thế bình đẳng

Chung sức “gỡ khó” áp lực sĩ số trường công

Theo báo cáo của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, nhiều trường phổ thông công lập nội đô đang rơi vào tình trạng quá tải sĩ số. Quận Hà Đông năm học 2018 – 2019 có tổng số 43.131 HS; 21 trường tiểu học công lập và 1 trường tiểu học tư thục. Sĩ số bình quân tại trường công lập: 50,45 HS/lớp (nếu không có 1 trường tư thục, sĩ số bình quân: 55,43 HS/lớp). Số lớp bình quân 58,68 lớp/ trường tiểu học, trong khi đó chuẩn mức độ 2 không quá 30 lớp/trường tiểu học.

Có thể nói, nhiều trường tư thục đang ngày càng thể hiện được vai trò tiên phong trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, góp phần quan trọng vào việc giảm áp lực sĩ số trường công, tăng thu ngân sách Nhà nước, giảm áp lực biên chế, đồng thời đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của con em nhân dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ giáo dục chất lượng, đẳng cấp và trách nhiệm.

Cũng trong năm học 2018 – 2019, quận Thanh Xuân có tổng số 24.819 HS tiểu học chia cho 13 trường (12 công lập và 1 tư thục). Sĩ số bình quân công lập 53,95 HS/lớp (nếu không có 1 trường tư thục, sĩ số bình quân 61,43 HS/lớp). Số lớp bình quân 59,09 lớp/trường tiểu học.

Năm học 2019 – 2020, quận Thanh Xuân đặt mục tiêu giảm từ 2 – 3 lớp, xây 2 trường tiểu học mới. Để đảm bảo sĩ số đúng điều lệ trường tiểu học, quận Thanh Xuân phải xây thêm 9,97 trường tiểu học.

Luật Giáo dục 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2020. Khoản 3, Điều 60 (Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường), Luật Giáo dục 2019 quy định: Trường dân lập, tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động tuyển sinh của các trường tư thục vẫn áp dụng mô hình quản lý Nhà nước của hệ thống trường công lập (phân chỉ tiêu), cùng một kế hoạch, thời gian, thậm chí phương thức.

Cách làm này không chỉ hạn chế quyền và cơ hội lựa chọn của học sinh đầu cấp, làm giảm hiệu quả giảm tải áp lực sĩ số cho trường công lập, mà còn kìm hãm quyền tự chủ của các trường tư thục, cản trở khả năng phát triển của giáo dục tư thục theo chủ trương, chính sách xã hội hóa.

Tự chủ tuyển sinh đầu cấp sẽ tạo sức cạnh tranh chất lượng cho các trường phổ thông

Mong muốn được tự chủ về tuyển sinh

Chia sẻ về tầm quan trọng của tự chủ tuyển sinh đối với trường tư thục, cô Lê Thị Bích Ngọc – giáo viên Trường Phổ thông

Newton (Hà Nội) cho biết: Với hệ thống trường tư thục, từ A đến Z nhà trường đều phải tự lo. Cơ sở vật chất là vấn đề không hề nhỏ và không dễ dàng gì, đặc biệt là ở Thủ đô.

Luật sư Nguyễn Kiến Thiết, Trưởng Văn phòng Luật sư Kiến Thiết (Hà Nội) cũng nêu quan điểm: Các trường tư thục gặp khó trăm bề về cơ cở vật chất, GV, mặt bằng, kinh phí hoạt động nhưng lại phải gánh thêm nỗi lo về tuyển sinh. Nếu các cơ quan, ban, ngành khống chế chỉ tiêu sẽ đi ngược với chủ trương xã hội hóa GD, đi ngược với chủ trương đường lối chính sách của Đảng.

Cô Bích Ngọc nêu băn khoăn: “Chúng tôi phải tự lo tất cả với chi phí rất lớn. Nếu trường không thực sự có chất lượng tốt, phụ huynh không tin tưởng và tìm đến với chúng tôi. Và nếu như chúng tôi sẽ không tuyển sinh được đủ chỉ tiêu, trong trường hợp đó thì các cơ quan chức năng có giúp chúng tôi bù lỗ việc đó không? Vì thế, chúng tôi mong muốn được tự chủ về tuyển sinh, cũng như quá trình hoạch định chính sách của mình”.

Theo cô Lê Thị Bích Ngọc, việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh như cơ chế xin – cho; mà đã xin – cho sẽ không tránh khỏi phát sinh tiêu cực, làm cho nhà trường mất đi sự tự chủ. Việc này đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. “Khi chúng tôi đã phải tự lo thì hãy cho chúng tôi tự chủ tuyển sinh” – cô Bích Ngọc nhấn mạnh.

Cần gỡ chính sách từ gốc

Chia sẻ ý kiến cá nhân về tự chủ tuyển sinh đối với trường tư thục hiện nay, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa 13 cho rằng, chúng ta cần gỡ từ gốc chứ không chỉ ở ngọn. Xã hội hóa giáo dục là hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong những năm vừa qua, hệ thống giáo dục tư thục đã có đóng góp rất lớn cho xã hội nói chung và cho Hà Nội nói riêng.

Hệ thống các trường tư thục là doanh nghiệp đặc thù, đã là doanh nghiệp thì phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng bị chi phối bởi Luật Giáo dục.

Nhiều trường tư thục xây dựng được thương hiệu, rất nổi tiếng và nhiều phụ huynh tìm đến, mà sự lựa chọn của xã hội đã thể hiện cái danh hiệu cao quý của trường. Chúng ta cần gỡ chính sách để triệt tiêu việc xin cho, tạo thế bình đẳng trong luật pháp.

“Tôi thấy trong Luật Giáo dục có những quy định về tự chủ khá đầy đủ, ví dụ tự chủ trong tổ chức, tài chính, nhân lực. Tôi đề nghị địa phương cần công khai minh bạch tất cả về quy hoạch hệ thống trường công, trường tư, với quy mô thế nào? Nếu không làm tốt được việc này thì vẫn sẽ tồn tại cơ chế xin cho”, bà Bùi Thị An cho biết.

“Về vấn đề quản lý, tôi nghĩ Nhà nước nên chỉ quản đầu ra, quản chất lượng. Về phía nhà trường, các trường cũng phải minh bạch tất cả mọi vấn đề về trường lớp, loại hình đào tạo, chất lượng giáo viên… và thậm chí cả mức học phí. Cả 2 bên nhà trường và các cơ quan quản lý đều phải minh bạch, có như vậy thì mới hy vọng triệt tiêu được xin – cho”.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa 13