Linh hoạt điều chỉnh, đẩy mạnh hỗ trợ người học thời Covid-19

Tinh giản chương trình theo hướng giảm nhẹ nhất có thể

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ GD&ĐT với đại diện 63 tỉnh, thành sáng 25/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định sẽ tinh giản chương trình theo hướng giảm nhẹ nhất có thể. Căn cứ vào đó, địa phương điều chỉnh phù hợp với thực tế. Ma trận đề thi THPT quốc gia, đề tham khảo sẽ được xây dựng sau khi có chương trình tinh giản.

“Việc tinh giản sẽ không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra“, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020 lần thứ hai. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm hơn nửa tháng so với điều chỉnh trước đó.

Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, thi THPT Quốc gia năm nay sẽ giản lược, kiến thức lớp 12 sẽ được xem xét giảm tải.

Hiện nay, thời gian thi THPT quốc gia dự kiến từ 8 đến 11/8 nhưng với tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài như hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó một cách chủ động.

Kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2020 vẫn được đảm bảo. Trong điều kiện Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra muộn hơn, các mốc thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng cũng sẽ bị lùi lại, tuy nhiên, kế hoạch tuyển sinh dự kiến vẫn sẽ kết thúc như các năm trước.

Dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp trong thời gian phải tạm đóng cửa trường học vì Covid-19.

Đảm bảo chất lượng học trực tuyến

Ngày 23/3, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các trường về việc đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, trường phải giám sát được quá trình tổ chức đào tạo, có hệ thống thi và kiểm tra đánh giá trực tuyến đảm bảo trung thực, khách quan theo yêu cầu chuẩn đầu ra của từng học phần; lưu được hồ sơ quản lý học tập của từng sinh viên…

Trên cơ sở đó, thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về việc công nhận kết quả học tập tích lũy, quản lý và lưu trữ các thông tin liên quan đến các học phần tổ chức đào tạo trực tuyến, kiểm tra, đánh giá… nhằm phục vụ công tác kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra.

Đối với các học phần được tổ chức đào tạo qua các công cụ dạy học trực tuyến như: Microsoft Teams, Zoom, Google meeting… thì việc tổ chức đánh giá kết thúc học phần chỉ được tiến hành khi đã thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của học phần.

Nếu chưa thực hiện được đầy đủ khối lượng học tập qua công cụ dạy học trực tuyến, khi quay trở lại học tập trung, cơ sở đào tạo phải tổ chức học bù những nội dung chưa thể triển khai qua các công cụ dạy học trực tuyến (thí nghiệm, thực hành… nếu có) để đánh giá học phần, công nhận kết quả học tập tích lũy theo quy định, đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo.

Cơ sở đào tạo chưa cung cấp các giải pháp đào tạo trực tuyến cần khẩn trương xây dựng phương án tổ chức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, xây dựng kế hoạch học tập phù hợp trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 để sớm ổn định hoạt động của nhà trường và ổn định tâm lý cho người học.

Thi THPT quốc gia lùi đến 8/8, trường ĐH linh hoạt tuyển sinh

Hiện tại, dù Bộ GD&ĐT đã quyết định lùi kỳ thi THPT quốc gia đến ngày 8/8 nhưng việc tính mốc thời gian này trên cơ sở dự kiến học sinh sẽ nghỉ học đến hết tháng 3/2020.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên thời gian quay lại trường của học sinh chưa thể xác định. Chính vì vậy, rất có thể, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục lùi. Nhiều nhà giáo đã đề xuất Bộ nên dừng kỳ thi này và chỉ xét tốt nghiệp THPT quốc gia.

Các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh nên có thể sử dụng hoặc không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Vì bản chất của tuyển sinh là lựa chọn thí sinh có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ để theo học các chương trình đào tạo bậc ĐH.

Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh phối hợp với ngành Thông tin truyền thông

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trước tình hình nghỉ học kéo dài, nhằm ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ quan điểm chỉ đạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” của Bộ GD&ĐT, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành TT&TT chính thức cam kết hỗ trợ ngành GD&ĐT trong giai đoạn chống dịch Covid-19.

Cụ thể: Phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong GD&ĐT; các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến hàng chục triệu học sinh, sinh viên (HSSV) và thầy cô giáo cùng mọi người dân liên quan trên cả nước về các thông báo quan trọng của Bộ GD&ĐT;

Các doanh nghiệp viễn thông di động miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho HSSV và thầy cô liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD&ĐT;

Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học;

Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một máy điện thoại thông minh kết nối 4G/5G.

Lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Giá trị của gói hỗ trợ này, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT Việt Nam cho ngành giáo dục. Tiếp theo sẽ là những nền tảng khác nữa, các ứng dụng khác nữa để phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà. Sự hợp tác giữa ngành TT&TT và ngành GD&DT sẽ là liên tục và mãi mãi.

Như vậy, đến nay, bên cạnh các chính sách, cố gắng nỗ lực của địa phương, vai trò của các tập đoàn, công ty công nghệ, đã có được một nền tảng cơ bản cho triển khai dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình.