Cơ hội để học sinh được học những giáo viên giỏi nhất

Triển khai dạy học trên truyền hình từ khá sớm trong dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã giao cho giáo viên giảng dạy 9 môn thi THPT quốc gia và 3 môn thi vào lớp 10, mỗi môn thêm 2 tiết dạy kiến thức mới trên truyền hình theo chủ đề và bám sát chỉ đạo công văn 4612 của Bộ GD&ĐT. Rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 trên tinh thần bảo đảm cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Sở cũng đã chỉ đạo các tổ chuyên môn phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên phụ trách môn học theo lớp học xây dựng kế hoạch bài học để tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập theo các bài học được phát sóng trên truyền hình. Thông báo thời khoá biểu theo lịch phát sóng các bài học trên các kênh truyền hình cho giáo viên, học sinh, gia đình học sinh để phối hợp tổ chức cho học sinh theo học các bài học trên truyền hình.

Các file bài giảng và bài tập đính kèm được đưa lên trang web của Sở GD&ĐT để học sinh có thể xem lại khi chưa hiểu trong quá trình làm bài; sau đó sẽ nộp lại bài cho giáo viên qua nhiều hình thức (email, zalo, viber…). Trên cơ sở đó, giáo viên kiểm tra, đánh giá được học sinh và có hình thức tương tác phù hợp để hỗ trợ học sinh.

“Nhà trường quản lý, giám sát, đánh giá việc học qua truyền hình của học sinh qua nhiều kênh, từ giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và phối hợp chặt chẽ trong mối liên hệ với phụ huynh để quản lý tốt các em.

Đây cũng là lúc học sinh, giáo viên nâng cao nhận thức, tăng cường dạy kỹ năng sống, cho học sinh tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng chia sẻ và hỗ trợ trong lúc khó khăn, kỹ năng giữ gìn vệ sinh để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho hay.

Ngoài dạy học trên truyền hình, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, Sở GD&ĐT Vĩnh Long chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Ngoài khai trên phần mềm, Sở còn yêu cầu cán bộ nhà giáo, nhân viên, học sinh khai trên Tờ khai y tế khi trở lại trường trong tiết học đầu tiên.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Tập huấn giáo viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn học sinh; xây dựng kế hoạch dạy bù để sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát bảo đảm an toàn.

Liên quan đến vấn đề các trường phải tạm dừng dạy học, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các Bộ ngành liên quan để bàn giải pháp trình Chính phủ về việc hướng dẫn cán bộ giáo viên, giảng viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập nghỉ hè năm học 2019 – 2020. Nếu không bố trí được thời gian nghỉ hè thì cần hướng dẫn việc thanh toán chế độ, chính sách hỗ trợ lực lượng này vì Luật Giáo dục quy định giáo viên được nghỉ hè 2 tháng.