Bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình mới: Thoát ly được sách giáo khoa

Hoàn thành 100% theo cam kết

– Tính đến hết năm 2019, công tác bồi dưỡng phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai như thế nào?

– Việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2019 được thực hiện theo Kế hoạch số 263/KH-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Theo đó, có 4 nhóm đối tượng được bồi dưỡng là: Các giảng viên sư phạm chủ chốt; cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT; giáo viên phổ thông; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Cả 4 nhóm đối tượng đều được bồi dưỡng giống nhau một nội dung là tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; ngoài ra, mỗi nhóm đối tượng có thêm nội dung bồi dưỡng phân hóa. Cụ thể, giảng viên sư phạm chủ chốt được bồi dưỡng thêm về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực với các chuyên gia Australia; phát triển nội dung, tài liệu, phương thức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu về năng lực triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Các cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT được bồi dưỡng thêm về chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đối tượng giáo viên phổ thông được tìm hiểu sâu thêm về các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Đối tượng là hiệu trưởng cơ sở GDPT được bồi dưỡng thêm nội dung quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường.

Nội dung bồi dưỡng quan trọng nhất là thống nhất tìm hiểu Chương trình GDPT 2018, từ chương trình tổng thể đến chương trình môn học và hoạt động giáo dục, Bộ GD&ĐT giao Trường ĐHSP Hà Nội chủ trì biên soạn với sự tham gia của Tổng chủ biên, các chủ biên chương trình. Tài liệu này được xây dựng theo định hướng tổ chức hoạt động học theo dạng kết hợp giữa tự học qua mạng với học trực tiếp. Đối tượng bồi dưỡng sẽ theo 3 pha: Tự học trên mạng (kéo dài 3 – 5 ngày); bồi dưỡng trực tiếp (3 ngày); hoàn thành bài tập để nộp trên hệ thống (7 – 10 ngày).

Với cách thức đó, ETEP đã thực hiện bồi dưỡng được hơn 28 nghìn giáo viên cốt cán toàn quốc; hơn 4 nghìn hiệu trưởng cốt cán; 1.028 cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT và 800 giảng viên sư phạm chủ chốt. Như vậy, hoạt động bồi dưỡng cốt cán đã hoàn thành 100% theo đúng số lượng cam kết với Ngân hàng Thế giới.

– Phản hồi của các đối tượng được bồi dưỡng về hoạt động bồi dưỡng như thế nào, ông có thể chia sẻ?

– Các thầy cô cốt cán tham gia bồi dưỡng có nhiệm vụ bắt buộc là phải trả lời khảo sát mức độ hài lòng đối việc việc bồi dưỡng sau khi hoàn thành khóa học. Câu hỏi khảo sát chia làm 4 cấp độ (rất hài lòng, hài lòng, không hài lòng, rất không hài lòng) về tài liệu, nội dung bồi dưỡng, cách thức bồi dưỡng, phương pháp bồi dưỡng, các điều kiện hỗ trợ bồi dưỡng…, dữ liệu khảo sát đã nhận được hơn 16.000 ý kiến trả lời và 95% trong số này đánh giá hài lòng và rất hài lòng. Đó là tín hiệu rất tích cực.

Giáo viên chủ động triển khai phương pháp dạy mới. Ảnh: NT

Chủ động phát triển hoạt động giáo dục phù hợp

– Ngoài bồi dưỡng cốt cán, việc bồi dưỡng đại trà sẽ được triển khai ra sao?

– Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ tháng 1 – 3/2020 là khoảng thời gian dành cho các địa phương triển khai bồi dưỡng đại trà. Cách thức triển khai cũng như bồi dưỡng cốt cán. Các thầy cô được cấp tài khoản tự học trước, có sự hỗ trợ của cốt cán trả lời thắc mắc trên hệ thống (hoặc địa phương có thể tổ chức sinh hoạt chuyên môn trực tiếp và thầy cô cốt cán được mời đến chia sẻ). Điểm khác biệt lớn của công tác bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới là tài liệu luôn có sẵn trên hệ thống, thầy cô có thể sử dụng tự học bất cứ lúc nào.

Lộ trình bồi dưỡng cũng đã được xây dựng. Trong đó, năm 2020, dự thảo kế hoạch bồi dưỡng đã trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Theo đó, số mô đun bồi dưỡng sẽ nhiều hơn (3 mô đun), gồm: Phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá; xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của môn học.

– Có ý kiến lo ngại thầy cô tham gia bồi dưỡng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Lần này có những đổi mới như thế nào để khắc phục tình trạng trên?

– Về bồi dưỡng trực tuyến, hệ thống sẽ kiểm soát, lưu vết toàn bộ hoạt động của thầy cô trên hệ thống: Thời gian xem tài liệu, số câu hỏi trắc nghiệm hoàn thành, các tương tác… Với bồi dưỡng trực tiếp luôn có điểm danh nghiêm túc. Các thầy cô chỉ được phép vắng 1 trên 6 buổi (có lý do bất khả kháng), nếu vượt quá sẽ coi như không đạt. Ngoài ra, mỗi thầy cô cần có một giáo án được chấm bởi giảng viên; phải nộp kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp… Phải đạt đủ các điều kiện đó, thầy cô với được cấp chứng nhận hoàn thành đợt bồi dưỡng. Thống kê sơ bộ, có khoảng 95% thầy cô được chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng; 5% không qua rơi vào trường hợp vắng mặt, không hoàn thành bài trên mạng.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền

Khi thực hiện bồi dưỡng đại trà vẫn sử dụng hệ thống để tương tác; cách thức như bồi dưỡng cốt cán.

– Lần này, chúng ta thực hiện dạy học theo chương trình thống nhất, sách giáo khoa không còn là tài liệu tham khảo duy nhất. Vậy việc tập huấn sẽ như thế nào để không còn tình trạng giáo viên dạy học vẫn phụ thuộc vào sách giáo khoa?

– Thực tế hiện nay, giáo viên không hẳn chỉ dạy trên 1 cuốn sách, thầy cô vẫn tham khảo từ nhiều nguồn. Học sinh cũng học theo nhiều sách. Việc dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng và phát triển thêm các tài liệu xung quanh đã có.

Cách tốt nhất để giáo dục theo Chương trình phổ thông mới là làm thế nào để giáo viên thoát được sách giáo khoa. Hiện nay, mô đun tìm hiểu chương trình có hẳn nhiệm vụ cho thầy cô phát triển giáo án. Các giảng viên không hướng dẫn thầy cô dùng sách cụ thể nào mà chỉ dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình về phẩm chất, năng lực để phát triển giáo án. Lần đổi mới này, việc hiểu và nắm chắc chương trình là hết sức quan trọng. Nếu một giáo viên thực sự nắm chắc chương trình và hiểu được bản chất chương trình thì có thể chủ động và sáng tạo phát triển hoạt động giáo dục phù hợp.

– Từ các đợt bồi dưỡng năm 2019 có thể rút ra bài học gì để thực hiện bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới hiệu quả những năm sau?

– Những bài học chúng ta có được là về công tác tổ chức, quản lý; sự phối hợp giữa các trường sư phạm được giao nhiệm vụ bồi dưỡng với các sở GD&ĐT; về sự quan trọng và cần thiết của hệ thống quản lý học tập qua mạng…

Vì đây là giai đoạn đầu tiên, lại có nhiều đổi mới nên vẫn còn có những bỡ ngỡ; nhưng chắc chắn, với các bài học rút ra từ đợt này, công tác bồi dưỡng từ năm sau sẽ tốt hơn.

– Xin cảm ơn ông!

Hiếu Nguyễn